haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Buổi sinh hoạt thường kỳ tháng 10/ 2012


Ngày  27 - 10 - 2012, tại phòng 13, tầng 13 Viện KHXH VN - Văn phòng Hợp tác nghiên cứu Việt- Nhật, số 1 đường Liễu Giai. CLB Haikư Việt Hà Nội sinh hoạt buổi thường kỳ như quy định. Mở đầu buổi sinh hoạt, nhà thơ Lê Thị Bình, đọc giới thiệu hai chùm thơ của Vũ Tam Huề và chùm thơ của Nguyễn Tiến Lộc. Tiếp  theo, nhà thơ Đinh Nhật Hạnh giới thiệu chùm thơ  của Phan Thị Lam Phương.
        Nhà thơ – Tiến sĩ Vũ Tam Huề là bạn chí thân của Haikư Việt Hà Nội đã nhiều năm nay;  nhà thơ – tiến sĩ Nguyễn Tiến Lộc, giảng viên trường đại học KTQD Hà Nội; Hội viên Hội VHNT Bắc Ninh. Học viên khóa VI TTâm B.dưỡng Viết Văn Nguyễn Du -Hội Nhà Văn Việt Nam. Phan Thị Lam Phương, một cây bút trẻ ở Tp HCM.
        Hakư việt Hà Nội xin trân trọng giới thiệu ba chùm thơ của hai nhà thơ: Vũ Tam Huề và Nguyễn Tiến Lộc và Phan Thị Lam Phương.

                  Ảnh Lê Thị Bình

Vũ Tam Huề
  (Tp HCM)
CHÙM THƠ HAIKU
“ NHỚ VỀ HÀ NỘI “ ( Trích 4 bài )
1
      Mắt buồn
hoa sưa rụng trắng
bóng xuân qua

2
Sấu đổ sang hè
im nghe
 mùa thay áo mới

3
Phiêu du
dừng bước hồ thu
cô em mắt biếc

4
Em hát ả đào
đêm đông phố cổ
lao xao tiếng lòng

CHÙM THƠ HAIKU
“ SÀI GÒN TRONG TÔI “ ( Trích 6 bài )
1
Sài Gòn và tôi
nửa đời tha hương
đất lành chim đậu

2
Sài Gòn ngày về
người mong tìm lại
mảnh vỡ hồn quê

3
Sài Gòn phiêu bồng
thoáng Mưa hồng
chiều Hạ trắng

4
Sài Gòn nắng
mắt em chợt tím
màu hoa bằng lăng

5
Sài Gòn kim tiền
đại gia
kiều nữ

6
Sài Gòn bè bạn
những bàn tay ấm
 chiều hoàng hôn


“ ĐẤT NƯỚC NGÀN THU “ ( Trích 4 bài )
1
Lên rừng xuống biển
bàn chân mở cõi
Rồng Tiên

2
Tình thơ cô bán chiếu
án oan vườn Lệ Chi
hoa và máu

3
Vườn Lệ Chi giải oan
hội Tao Đàn vung bút
vua thánh trời Nam

4
Xua tan mây mù
rạng ngời sao Khuê
soi Bình ngô cáo

                                                                    Vũ Tam Huề


NĂM BÀI THƠ HAI-KƯ

    Nguyễn Tiến Lộc

 1.
     Êch vờn hoa bóng nước
     Chuồn bay
     Sen nở đầy

 2.
Mưa hè
Tan bao bong bóng
Em nhìn thương hạt mưa rơi .

3. 
Tháng bảy mưa ngâu
Sập sùi hạt thương ,hạt nhớ
Mình em đếm hạt mưa rơi.

 4.
Mưa ngâu giăng mắc
Buồn như lá.
Cây ngô đồng ủ rũ chơi vơi
5. 
Thèm bát canh hoa muống
Muống mùa này đang hoa
Ai nỡ đem hoa nấu
                     N.Y 15/8/2012
                    Nguyễn Tiến Lộc

Chùm thơ của  Phan Thị Lam Phương
Bút danh: Gome Tháng Sáu

1.     
Là xuân
giấc mơ chim sẻ
một đóa cúc vàng
2.
trong hơi sương
lấp lánh hồng
cánh đào thơm
3.
gà sáng gáy
cửa sổ hé
lung linh thềm nhạc 
4.
đôi dép cỏ
bên hiên ngước nhìn
từng vụn mây trong
5.
tia nắng nhạt
gặp cành chồi
thoắt reo vui
6.
đêm xuân lòng
gió thảnh thơi
bát mì soba nóng
7.
Tiếng chim líu ríu
Tô môi hồng
lên màu tóc mai 
8.
Ánh sông xa
Bên kia triền sông
Một đàn bướm gió
9.
Lá cây nghiêng cơn giông
Mùa qua không ngoảnh lại
Nắng gió trong lòng
10.
Tổ khúc ngày về
Tiếng sáo ngân vọng
Tụ đoàn hân hoan.

Phan Thị Lam Phương

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Thơ Nguyễn Văn Đồng trong tập san số 1


Nguyễn Văn Đồng 

1.

Gom nắng chợ quê

hong con hết cóng

lưng mẹ còng 

  

2.

Chiều đông

cha chống bè

mồ hôi mặn dòng sông

 

 3.

Sông chảy vòng

con đê cong

đường về quê thẳng  

 

4.

Em sang ngang

gió hoang

hỏi lời thề ?

5.

Vườn chùa rau răm

loằng ngoằng

dâm bụt đỏ
 

6.

Tiếng chim trong lồng

vướng nan tre


 

7.                                

Tiếng rao đêm

khoai nóng !

cóng môi

 

8.

Canh gà thua bạc

khát nước

toi

 

9.

Sân gôn mênh mông

bao nhiêu lỗ ?

không lỗ cắm dùi !

 

10.

Bánh trôi

ruột ngọt nẫu

vỏ nhạt môi

Nguyễn Văn Đồng

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Nội san lần giở trước đèn


        Thế là đứa con đầu lòng  - Nội san Số Một của Câu lạc bộ Haiku Việt Hà nội đã ra đời ! Nâng trên tay cuốn sách vuông vức thơm mùi giấy mà lòng sống lại những trăn trở , dặt dè của những ngày trước đó lo toan , hồi hộp . Mới hay khi nước đã chẩy thành dòng thì năng lượng tiềm ẩn có thể cuốn trôi mọi cản tắc để dòng trôi cứ trôi , hướng về phía mênh mông xanh biếc . Ngắm nghía đứa con do mình bấy lâu thai nghén , những bậc sinh thành  không nén nổi niềm tự hào về vẻ đẹp giản dị , trang nhã và trí tuệ của nó . Trong mường tượng lung linh của mình hẳn thấp thoáng bóng dáng của sắp nhỏ tiếp tục ra đời trong tương lai .
          
          Nằm gọn trong một trăm lẻ sáu trang in , tập nội san chững chạc với mọi  nội dung cơ bản cần có khiến người đọc có thể  hình dung đầy đủ về một câu lạc bộ còn mỏng với thời gian nhưng đã khá dầy và rộng trong nội hàm và trong hoạt động . Trước hết xin cùng đến với mảng sáng tác thơ , vì mảng này có sự góp mặt của đầy đủ thành viên cùng những gương mặt bạn bè tiêu biểu . Nó cũng choán khoảng không gian rộng nhất của nội san . Với hai trăm bẩy mươi sáu phiến khúc Haiku của ba mươi mốt tác giả nhà , ba mươi khúc của ba vị khách quý rất đa dạng về cách nghĩ , cách nói và cách viết . Thơ đã đi vào mọi ngõ ngách tâm trạng , không còn chỉ miêu tả thiên nhiên với mùa , hoa , sương , gió … . Nhiều băn khoăn trong cuộc sống , bức xúc của xã hội . Nhiều trạng thái tâm lý yêu , ghét , giận , thương …đều được các tác giả giãi bầy trong thơ . Nhiều bài thơ đã mang rõ nét những đặc thù của thơ Haiku . Xin nêu vài minh chứng :

Xé lịch mỗi ngày / Xác thời gian / Đau trên tay .                        ( Lê Đình Công )

Chiếc khăn rằn / Mũ tai bèo / Trăng treo hồi ức .                        ( Vân Đình )

Tiếng rao đêm / Khoai nóng / Cóng môi .                                    ( Nguyễn Văn Đồng )

Trên đỉnh non cao / Chim ưng sải cánh / Rắn rết bò trườn .        ( Lê Anh Tuấn )

Tôi đứng ngoài tôi / Nhìn tôi / Viên mãn .                                   ( Đỗ Tuyết Loan )

Đỉnh núi tuyết phủ / Đầu bạc / Xuân đã qua .                              ( Hồ Hoàng Hoa )

Người ăn xin / Chân trần quơ gậy / Bước qua bọc tiền rơi .       ( Phan Hữu Cường )

Tiếng dế hát khe tường / Khúc vĩ cầm hư ảo vấn vương / Đêm dài thêm tóc bạc.  (Nghiêm Xuân Đức)

Sông chở nắng / Gió chở mưa / Người chở đò .                           ( Cao Ngọc Thắng )

“ Bèo dạt mây trôi ” / Cuộc đời / Liền chị !                                 ( Nguyễn Thị Kim )

Chiều buông / Nắng tắt / Người đi .                                             (Phạm Ngọc Liễn )

Lá rơi / Chị quét / Nỗi đời .                                                          ( Ng. Hoàng Lâm )

Chiều rộng / Đồng xa / Mẹ già chưa nghỉ .                                  ( Nguyễn Duy Quý )

Sau bao lời lưa phỉnh / Thành Cổ loa / Tan hoang …                 ( Ng. Đăng Minh )
         
          Mảng văn xuôi khá phong phú với những đề tài nghiên cứu , lý luận . Qua trải nghiệm  bản thân cùng kỳ công sưu tầm  , bài viết của tác giả Nguyễn thị Mai Liên đã làm sáng ra những đặc thù của thơ Haiku cổ phong . Người đọc nhặt  được từ đó tính vô thường , vô ngã , vô sai biệt để thưởng thức và vận dụng . Thi lão Đinh Nhật Hạnh  , người uống no tâm hồn và vần điệu lục bát từ trong câu ví dặm, từ lời mẹ ru khi còn nằm nôi và từ kiệt tác Kim Vân Kiều truyện đã chuyển thể nhuần nhị những phiến khúc Haiku của bạn tri âm thành những cặp Lục bát óng ả đồng điệu . Qua bức phác họa của Hải Xuân , ta được nhìn tường tận từng nét nhỏ chân dung của một con người quên tuổi tác , gân guốc , xông xáo mở cánh cửa lâu đài thơ Haiku , cầm tay mọi người cùng bước vào khám phá . Dịch giả Lê Thị Bình không bằng lòng đón nhận một phiến khúc Haiku hay một cách bàng quan mà nhất quyết tìm ra nơi xuất xứ để tận hưởng ý vị của nó . Thật là một cách thưởng thơ hiếm thấy vậy ! Cũng qua những đề xuất mạnh dạn với tư cách người làm thơ , có thể rồi đây nhiều nét mới trong thơ Haiku Việt được chấp nhận như hướng đi của loại hình thơ này trên đất  nước ta . Những lời bình của Nguyễn Thị Kim , Hoàng Xuân Họa , Lê Đình Công và Vũ Xuân Trường giúp người đọc tiệm cận với những khúc thơ mà tác giả tâm đắc , truyền cảm xúc cho chúng ta . Chúng  như những nét chấm phá trên bức tranh toàn cảnh của nội san . Nhiều khúc tản văn , tự sự giúp người đọc hình dung từng bước đi để hôm nay Thi xã có được dáng vóc này . Đôi dòng tin tức xen cùng một số tấm ảnh mầu đã làm nên những chấm sáng nhấp nháy vui mắt .   

           Không dễ dàng để có được một tập san  với tầm vóc này . Cũng không muốn những tập tiếp theo chỉ như thế . Giá như trong mọi khúc thơ đều đã mang hình hài cần có của thể loại Haiku . Có bài thơ nếu đọc liền một mạch chỉ thấy như một câu nói . Có bài tả rất đẹp mà gợi lại quá khiêm tốn . Nhiều bài thơ rất hay , ngôn từ đẹp , mang tính suy tưởng đậm nét nhưng nên xếp vào dòng thơ khác vì thiếu sự ngắt ý ( kiru ) mạch lạc và lạm dụng tính từ . Nên chăng mở thêm mục Thơ Ngắn hay Thơ Ba câu ( Ba dòng ) gì đó để dễ bề đăng tải ! Nếu để ý kỹ , người tinh mắt có thể e ngại đôi chút về những trường hợp dùng từ cầu kỳ , coi đó là phương tiện nâng tính bác học của bài viết. Và, cần cảnh giác với xu thế dời xa đặc thù Vô Sai Biệt , một trong những thuộc tính của Thơ Haiku.

          Nói gì thì nói , tập nội san đầu tay của câu lạc bộ Thơ Haku Việt Hà nội là niềm tự hào , là mốc son đánh dấu trên con đường phát triển , là công lao , là trí lự của mọi người đặc biệt bộ phận thường trực ban biên tập . Xin đón nhận bằng niềm vui thực sự và lòng biết ơn chân thành .  
  
                                                - Lý Viễn Giao -

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Chùm thơ cảu Lam Hồng trên tập san 1



Lam Hồng

1.
Mải miết đi
ngước nhìn bằng lăng rắc tím
Ồ! Hè về
  
2.
Thuyền quanh đảo nhỏ
đen trắng rợp trời
chim bay về tổ
  
3.
Một đôi bướm vàng
lướt nhẹ trên cây
ngoài cửa sổ
  
4.
Lên chùa Đồng
trông bốn phía
trắng mênh mông


5.
Lửng lơ giữa trời mây
lướt trên ngọn cây
cáp lên Yên Tử

Thơ Haikư kỷ niệm 27-7:

6.     
Các anh hy sinh
mang nặng nghĩa tình               
đồng đội… 
  
7.     
Các anh đi mãi
để lại niềm tin
mai sau yên bình

8.     
Khói hương bay
hoa trôi mau
nỗi đau không mất
  
9.     
Nấm mồ bên sông
ai ngóng trông    
vĩnh biệt
  
10.     
Tiếng hát câu thơ
hương khói mịt mờ
gửi người đã khuất

     Lam Hồng