haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

MỘT VÀI CẢM NHẬN


 Trong tập thơ Haikư Việt - Nxb Hội nhà văn 2011 (CLB Haikư Việt Hà Nội) có nhiều bài hay ẩn ý sâu sắc của nhiều tác giả. Nhưng tôi cứ bị ám ảnh bài của nhà thơ Vương Trọng: Đó là bài số 4 trang 122.

Về làng
Giọng quê, tóc bạc
Mình hay Hạ Tri Chương?
Tôi đồng cảm với tâm trạng tác giả  những ai xa quê lâu ngày vì mưu sinh hay vì trăm ngàn lý do khác. Rồi học hành nối tiếp học hành, công việc chất chồng công việc... của bản thân, của gia đình, con cái... cứ như vậy thời gian vun vút trôi đi, mái tóc xanh điểm bạc mới thu xếp về thăm lại quê hương. Nơi núm ruột mẹ bỏ niêu đất chôn nơi gốc mít, nơi chiều chiều chọi cỏ gà ven đê và nghe tiếng sáo diều vi vút. Nơi tối tối xách đèn chai đi đào ve sầu lột xác nơi gốc cây, bắt đom đóm bỏ lọ làm đèn hoặc hò hét cổ vũ hai chú dế chọi nhau trí mạng... Còn nhiều, còn nhiều nữa biết bao kỷ niệm chất chồng mà giờ đầy mái tóc pha màu sương trắng mới trở về làng. Vẫn nếp nhà xưa đàn cháu nhỏ chẳng nhận ra người thân. Chúng cười hỏi hồn nhiên: Ông là ai? Ông từ đâu đến?
Lúc này tác giả bài thơ trên, tâm trạng không khác Hạ Tri Chương nhà thơ lớn đời Đường.
Hạ Tri Chương đã từng xa quê và trở lại khi đầu đã bạc, ông cho nhân loại những vần thơ Đường trác tuyệt:
Thiếu tiêu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?
Tạm dịch nghĩa:
Lúc trẻ xa quê, trở lại tuổi đã già
Giọng quê không thay đổi nhưng râu tóc đã bạc
Các cháu nhỏ gặp không biết là ai
Chúng cười hỏi: Khách từ đâu đến?
Ở đây tôi chỉ dịch nghĩa (không dịch thơ) để thấy sự đồng cảm hai tác giả Vương Trọng - Hạ Tri Chương.
Nỗi ưu tư này không chỉ ở hai tác giả mà chúng ta đều mang tâm trạng đó khi xa quê quá lâu không có điều kiện về thăm viếng. Khi trở về thì cảnh vật con người đã bao đổi thay.

Nguyễn Thị Kim
Tel: 0947736977

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét