haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

HAIKƯ VIỆT VỀ NĂM NGỌ- Giới thiệu Nội san 4



Lưu Đức Trung
Đường hoa nở / ngựa hồng phi / gió xuân reo
Hoa đào nở / ngựa hí ngoài ngõ / xuân tưng bừng

Đinh Nhật Hạnh
Bóng ngựa qua song / Tuổi đời / trân trọng
Năm mới / từ từ / đừng như Ngựa Vía
Cầm tinh con Ngựa / cụ cựa / đêm ngày
Ngựa non háu đá / ngỡ mình / nòi Pégase*
“Ngựa người, người ngựa” / ngỡ xưa / mà nay
Tìm đâu Quan Công / mà mong / Xích Thố!
Lời nói gió bay - / ngán gì / ngựa Tứ
Thượng mã bình an! / nhìn đường / kẻo lạc

*Pégase – tượng trưng cho Thơ ca, chở các thi hào lên đỉnh núi Hélion trong thần thoại Hy Lạp

Lý Viễn Giao
Lướt gió hí vang / vó câu rộn ràng / chiến bào lửa sém
Ngựa sắt / Tre ngà / sông núi đơm hoa
Bắc chiến nam chinh / non nước yên bình / tung bờm hóa đá
Giặc tả tơi / phi về trời / ngại ngùng cát bụi
Mãi còn đây / tráng sĩ bọc thây / hồn thiêng non nước
*
Thung cỏ sữa / một bầy ngựa / lặng lẽ dìu nhau
Trên đường đua / ngựa cùng rùa / hai chiều xuất phát
Ngựa về đâu / lắng vó câu / may rủi?
Tung nước đại / rớt lại / đuổi thời gian
Lững thững yên cương / dặm trường / lối cũ!

Nghiêm Xuân Đức
Ngọ đến ngựa phi / Ngọ đi / ngựa xỉu
Ngựa phi Từ Bi Hồng / tôm cong / Tề Bạch Thạch

Vũ Tam Huề
Ngựa chiến Giáp Ngọ / hí vang trời Nam / Điện Biên chiến thắng
Ngựa phi đường xa / đào hoa đỏ thắm / nụ cười Ngọc Hân
Dặm trường binh lửa / thắp nén nhang lòng / Ôi! hồn chiến mã
Ngựa Ô thương nhớ / em ơi! một thuở / khi mình còn nhau
Đã vui là say / phó mặc sự đời / Tái ông mất ngựa

Nguyễn Hoàng Lâm
Cuối trời / vọng / tiếng vó câu
Vớt ánh trăng / trong / mắt ngựa
Sáng giá nhất Mười hai con Giáp / Ngựa Vàng - Xuân tới /
Nước kiệu bay

Lê Thị Bình
Ngựa xưa / thời @ / ai biết
Tung vó / bờm trắng / mây trôi
Cưỡi mây / đón Ngọ / mỉm cười gió Đông
Ngựa gỗ / cháu phi / ông cười

Kiều Lam
Mười hai thần mã / Trường An tung vó / gậm cỏ lưỡi bò
                       
Lê Đình Công
Giá rét Tỵ đi / mong khi / Ngọ ấm
Giáp Ngọ / tung vó / Xuân 
Ngựa Gióng ơi! / gậy sắt mới / đây rồi!
Thân già, gối mỏi / ngựa tới / vẫn phi!


Phan Hữu Cường
Bốn ngựa tứ hướng / nước đại giằng nhau / tan xác gió

Nguyễn Văn Đồng
Giáp Ngọ / quen lối cũ / về thăm quê
Tranh “bát mã” / nhớ chiến trường xưa / khói lửa
Ngủ đứng / nhai đêm / đời ngựa
Giáp Ngọ / dẹp luồn lách / phi thẳng

Lê Văn Truyền
Chợ tình H’mông / thiếu phụ dắt ngựa vắt vẻo chồng say / gập ghềnh đường Xuân về bản

Văn Bắc
Gió xuân / ngựa hý / chốn hồng hoang

Đinh Trần Phương
Bụi đường / nga phi nước đại / hai mươi chân
Nhp nhô mt tri / vó ngựa / ln dn xung
Tác phm tr con / trên mình nga vn / c by rn xanh

Minh Hoàng
Vó ngựa đâu đây / báo tin xuân về / muôn cánh hoa lay

Phan Vũ Khánh
Tôi trong lửa / ngựa bất kham / mơ thảm cỏ
Ngai, hài, mũ áo / ngựa ngũ sắc / hóa hương mây
Ngựa trắng bồng bềnh / quần tụ trăng / nghe sáo cuội
Phố thị lên màu / trẻ đâu nhảy ngựa / trăng sáng làng bên

Lê Đăng Hoan
Ngựa vẽ / đẹp hơn ngựa thật / đời vẫn hay mơ!
“Ngựa người, người ngựa” / đâu phải chuyện xưa /
Nguyễn Công Hoan vẫn chưa viết hết!

Nội san Haiku Việt Hà Nội, quý 1 - 2014


Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Người Việt làm thơ Hai Ku

Người Việt làm thơ Haiku




        Cứ băn khoăn hoài về tên gọi Haiku Việt mà mãi chưa tự lý giải được sao cho vừa ý . Không hiểu khi thơ Haiku nhập cuộc vào đời sống văn học các nước như Anh , Pháp … người ta có gọi là Hai ku Anh , Haiku Pháp … không . Thiết nghĩ chỉ có một thứ thơ Haku thôi . Nó sinh ra , lớn lên và đến bây giờ phân thành nhiều xu hướng cũng ở đấy . Thơ Haiku là một trong những sản phẩm văn chương độc đáo và tượng trưng cho đất nước Mặt Trời Mọc . Nó mang hồn cốt của người Nhật bản  qua từng giai đoạn phát triển . Khi thể loại thơ này nhập tịch vào nước nào , nó được người bản xứ thưởng thức và sáng tác . Khi thưởng thức ắt phải cố gắng để nhận chân được sắc thái tâm hồn , vẻ đẹp tư duy của người Nhật . Lúc sáng tác , lại phải vận dụng những điều nhận được ấy để bằng ngôn ngữ của mình , hơi thở của cá nhân và đất nước , dân tộc mình làm nên những đoản khúc Haiku . Quá trình ấy , có thể xuất hiện một số nét mới về cả nội dung và thi thuật để thỏa mãn thẩm mỹ của bản thân , phù hợp với khung trời , mảnh đất mình đang sống  . Điều đó là tất yếu nhưng nó không thể là việc làm thay đổi hay chinh phục thơ Haiku . Được biết ngay trên đất nước Phù Tang , thơ Haiku cũng luôn vô thường , bám đuổi sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống , thế mà vẫn cứ là haiku thôi . Không có thứ Haiku cải tiến , Haiku mới hay Haiku tân kỳ chi chi cả .
          Thiết nghĩ người làm thơ Haiku ở bất kỳ đất nước nào cũng phải giữ cho được cốt cách của nó . Đó là ngắn gọn ( Không quá mười bẩy âm tiết ) , ngắt ý rõ ràng  , tính gợi cao và cố gắng tránh dùng tính từ , trạng từ . Trong thơ Haiku cổ phong của Nhật còn thấy một số đặc thù khác nữa như phải có quý ngữ , tính thiền , tính vô thường , vô sai biệt… . Những điều này bây giờ mờ nhạt dần không còn trở nên bắt buộc nữa .
          Khi người Việt làm thơ Haiku , trước hết và rất cần phải đảm bảo những nét đặc trưng cơ bản của thể loại thơ này . Trong đó khó nhất vẫn là ngắt ý . Vâng ! Một phiến khúc thơ Haiku phải thể hiện được ba ngắt ý một cách tường minh . Ta dễ bị lẫn ba ngắt ý với ba dòng hay ba câu . Mỗi ngắt ý có thể chưa đủ một mệnh đề , mới chỉ là một hình ảnh , thậm chí một từ nhưng độc lập với nhau , để rồi khi đứng chung trong toàn bài chúng hợp sức tạo nên một cảnh tượng lớn , hoàn hảo, nói lên ý tưởng của bài thơ , mở ra phương trời suy tưởng cho người đọc . Hãy trở lại với bài thơ “Con Ếch” của Basho :
                    Ao xưa / Con ếch nhẩy vào / tiếng nước xao
Thì đấy , ao xưa , con ếch và tiếng nước là những hình ảnh và âm thanh nếu tách riêng ra chẳng thấy có gì liên can . Khi nằm chung trong bài thơ đã tạo nên sức gợi về một không gian , về sự sống  và những triết tưởng sâu xa như ta đã thẩm ! Xin được đưa ra vài khúc nữa để khảng định diều này :
                    Xó chợ / Chiếc lon trống / Hạt mưa mồ côi  ( Nguyễn Thánh Ngã )
                   Quả mướp dài / Con ong vụt đến / Đâu người tình xưa ?  ( Tôn Thất Thọ )
                  Trên lá môn non / Giọt sương đọng / Vầng trăng tý hon  ( Trần Đức Việt )
                  Nắng mật ong / Mây trời huyền ảo / Trăng bùa lứa đôi  ( Đinh Nhật Hạnh )
                  Rượu đầy / Lời bay / Dạ cạn  ( Lý Viễn Giao )
Đừng nói những bài thơ ba câu , ba dòng , thơ ngắn mà ta thường gặp là không hay , không sâu , không  “Nỗi niềm” , “Tâm trạng”…Nhưng nếu ở đó không rõ ba ngắt ý thì chưa phải là thơ Haiku . Thế thôi ! Ở đâu đó ta đã nghe nói rằng trong một đoản khúc Haiku có thể chỉ cần hai ngắt ý . Điều này những người làm thơ chúng ta coi như một nét mới để thử nghiệm cho mình trong sáng tác và lúc thẩm thơ .
          Khi người Việt Nam làm thơ Haiku dĩ nhiên dùng tiếng Việt . Những hình ảnh trong cuộc sống như cây cối , nhà cửa , sông núi , biển trời …cũng dĩ nhiên từ trên đất Việt . Tâm tư , tình cảm và thậm chí những triết lý thâm sâu , những ý tưởng rộng lớn…đưa vào thơ từ trong gan ruột người Việt lộ ra bằng câu chữ . Những nét đẹp trong nền văn hóa dân tộc từ ngàn xưa dù bác học hay dân dã đã thấm vào từng người trước đó cũng chẩy vào thơ trong quá trình sáng tác . Ấy là ta đã dùng cái “Bình Haiku” để rót “Rượu Việt” vào mà thưởng thức , nhâm nhi với nhau đó ! Tất cả , tất cả đấy xin được gọi chung bằng một từ Hồn Việt .



          Có những yếu tố của Hồn Việt cứ tự nhiên ,“tưng tửng” mà đến không cần một cố gắng nhỏ nào ví như tiếng Việt , không gian Việt . Nhưng nhiều yếu tố khác tạo nên Hồn Việt , người làm thơ phải dầy công nhặt nhạnh , khéo léo gửi gắm mới mong câu thơ Haiku lấp lánh cái hồn vía ấy . Việc nhặt nhạnh nằm trong khoảng thời gian và những lãnh vực vô cùng rộng lớn . Đó là những nét đẹp hào hùng trong lịch sử dân tộc trải qua mọi thời kỳ dựng nước và giữ nước . Đó là những làn điệu dân ca trên khắp mọi miền của tổ quốc . Những bản tình ca , tráng ca của Văn Cao , Trịnh Công Sơn… .Những bức tranh vô giá của Bùi Xuân Phái , Tô Ngọc Vân … Và đặc biệt phải nhặt nhạnh trong văn thơ từ cổ chí kim mà văn chương truyền miệng có vai trò to lớn . Trong các thể loại truyền miệng , ca dao là cốt lõi . Nó thể hiện đa dạng tình cảm , mơ ước của người bình dân . Nó uyển chuyển , mềm mại , trong sáng mà sau này phát triển cao thành một thể thơ , thơ Lục bát . Một khi đã thấm được Hồn Việt từ tất cả các ngõ ngách đó , việc thổi nó vào thơ Haiku cũng chưa phải dễ suôn sẻ . Việc làm này tùy thuộc vào yếu tố thiên phú và những trải nghiệm của mỗi người làm thơ .
          Cho dù ngày nay thơ Haiku không còn bắt buộc phải có quý ngữ , nhưng khi người Việt sáng tác thơ này quý ngữ cứ ùa vào một cách tự nhiên ngoài ý thức của tác giả . Bởi trên mảnh đất này , ở Phía Bắc , bốn mùa cứ nối tiếp nhau với ranh giới tuy không thật rõ nét nhưng với những đặc trưng về thời tiết , về hoa lá , cảnh vật …không lẫn với nhau được  . Cả ánh mắt nhìn cuộc sống , suy tư , tâm trạng con người cũng thay đổi theo các mùa đó . Còn ở Phương Nam , tuy chỉ có hai mùa nhưng người làm thơ xứ ấy cũng làm sao tránh được cái bóng dáng thiên nhiên trong câu thơ làm ra . Vả lại mấy ai chỉ sống ở đó mà chưa lần ra Bắc . Ấy là chưa nói đến rất đông người vốn dĩ gốc gác Đàng ngoài .
          Người Việt Nam vốn ưa cách nói có vần , có nhịp điệu . Trong ca dao , dân ca , thành ngữ , tục ngữ , phương ngôn …  thơ ; vần và điệu là yếu tố hình thức quan trọng đã đành . Ngay trong ngôn ngữ giao tiếp thường nhật , câu nói có vần điệu nghe cũng dịu tai hơn . Những phiến Haiku được gieo vần , có nhịp điệu đi vào vùng thẩm của người đọc thường theo con đường ngắn hơn và gây thú vị nhiều hơn . Vậy nên việc sáng tác những khúc thơ có vần điệu được coi như một yếu tố có vẻ hình thức làm nên hồn Việt đó !
          Tính từ , trạng từ vốn là khắc tinh của thơ Haiku nhưng  hãy thử làm một việc coi như “Không sợ súng” này xem . Nếu được cũng có thể cho là một nét điểm xuyết trên bầu trời Haiku mà người Việt chấm vào . Những tính từ đã được mặc định cho một loại danh từ , đang được toan tính mang thay thế danh từ ấy trong câu thơ  . Ví như :
               Mớ bẩy mớ ba / Nõn nà / Lúng liếng . ( Lý Viễn Giao )
Nõn nà dùng để nói vẻ trắng , non của làn da . Ở đây dùng nó thay cho làn da non trắng ( Thường là cổ tay , bàn tay , khuôn mặt ) của người con gái trẻ . Cùng với lúng liếng ( Thay cho đôi mắt trong sáng , tình tứ ) và mớ bẩy mớ ba tạo nên một hình ảnh đầy đủ về cô gái Quan họ xinh tươi , về mùa xuân !
          Thơ Haiku đến Việt Nam chưa lâu . Số người đam mê và sáng tác nó chưa nhiều . Tuy vậy khi ta bước vào cái vườn hoa nho nhỏ này cũng đã thấy ngát hương , ngợp sắc . Và cũng chẳng cần tốn công lắm để tìm thấy những bông hoa lộng lẫy hơn chút đỉnh  mà thưởng lãm , tự hào . Đó chính là những phiến khúc Haiku lấp lánh hồn Việt xin được lược điểm , dâng trình :
     Độc ẩm trà / Nhấm nháp mình ta / Cô đơn sớm  ( Nghiêm Xuân Đức )
     Hương trong vườn / Tiếng chim khách / Từng chùm  ( Mai Văn Phấn )
     Sen nở / Nắng reo / Câu lục bát  ( Kiều Lam )
     Cao nguyên đá / Tiếng khèn trong sương / Tình vương phố núi  ( Vũ T. Huề )
     Nắng xuân Đền thượng / Bừng sắc hải đường / Nụ cười Mỵ Nương  ( Kim Thanh )
     Tiếng rao đêm / Nhịp chuông chùa ngắc ngư / Sao Mai qua cửa sổ ( Cao N Thắng )
     Tóc rũ / Bờ tre / Đợi  ( Lê đình Công )
     Vỉa hè / Ngay dưới chân / Rất xa   ( Hà Bàng )
     Bóng Hoa trăng lắt lay / Mèo con / Vồ hụt mãi  ( Đinh Nhật Hạnh )
     Bàng bạc sương mù / Hồ Ba bể / Trăng lu  ( Nguyễn văn Đồng )
     Trong cỏ xanh / Mùi đất ẩm / ủ tình quê  ( Lưu Đức Trung )
     Gốc sứ già / Ve sầu thoát xác / Mơ ước đời người  ( Lê văn Truyền )
     Xoài lủng lẳng / Nắng soi nghiêng / Ngực trần Tây nguyên  ( Nguyễn Kỳ Anh )
     Dảo nổi đảo chìm / Nhịp trái tim / Tổ quốc  ( Nguyễn Hoàng Lâm )
     Bếp lửa / Khoai vùi / Nhà ai ?  ( Lam Hồng )
     Dưới vòm cây phố thị / Gõ mõ cầu siêu / Hoàng hôn òa tím chiều  ( Như Lan )
     Triền đê / sáo diều / Ru vạt gió  ( Nguyên Thị Kim )
     Trăng lạnh / Tóc xõa bên song / Đêm thiếu phụ  ( Lương thị Đậm )
     Lúa trổ nghẹn đòng / Cua bên bờ đỏ gọng / Mong mưa … ( Lê Đăng Hoan )
     Dâu da xoan / Thơm / Bầu sữa mẹ  ( Đỗ Tuyết Loan )
     Nằm nghe / Đêm thẳng đứng / Mưa rơi  ( ĐinhTrần Phương )
     Sông Gâm / Vũng đầm / Non bộ  ( Thiện Niệm )
Còn nhiều , còn nhiều nữa những đóa hoa xinh tươi nhưng vòng tay hẹp không ôm xuể .
          Từ chỗ gần như con số không tròn trĩnh , đến nay số người Việt Nam tìm hiểu , nghiên cứu , sáng tác thơ Haiku đã khá đông đảo  . Họ tập hợp chủ yếu trong hai câu lạc bộ thơ lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh . Họ có mặt trên mọi miền đất nước . Trên con đường đi lên , trong quá trình sáng tác , mọi Hai jin sẽ tự rút ra những gì cần thiết để thơ mình được công chúng đón nhận , để Haiku trên đất Việt sánh vai với các anh chị của mình trong dòng chẩy thi ca , trong nền văn chương Việt Nam . 

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Thông báo

Chương trình hoạt động của CLB Haikư Việt – Hà Nội
(tháng 6 / 2014)

Đã thông qua buổi sinh hoạt thường kỳ 17.5.2014

TRỌNG TÂM:

Kỷ niệm 5 năm thành lập CLB Haikư Việt – Hà Nội
1.
Tổ chức Tọa Đàm Haikư Việt
2.
Ra Tuyển tập Haikư Việt ba ngữ: Việt – Nhật – Anh

NHỮNG NÉT CHÍNH:

I. Tọa Đàm

Đã thành lập các nhóm soạn thảo các báo cáo chính trình bày trong buổi tọa đàm sẽ diễn ra một buổi ở Hà Nội (dự kiến một trong các ngày từ 12.9 đến 15.9).

1.
Hình thành & Phát triển của CLB Haikư Việt – Hà Nội
(Đinh Nhật Hạnh, Lê Đăng Hoan, Hoàng Xuân Họa)

2.
Haikư Nhật Bản & Haikư Thế giới đương đại
(Lê Thị Bình, Mai Liên)

3.
Bàn về hồn Việt trong Haikư Việt – Cơ sở lý luận của Haikư Việt trên tinh thần Lục Bát
(Nghiêm Xuân Đức,  Lý VIễn Giao, Cao Ngọc Thắng, Đinh Nhật Hạnh, Mai Liên)

4.
Điểm Haikư Việt thời gian 5 năm qua
(Vũ Xuân Trường, Lê Đình Công, Lý Viễn Giao)

Các bước thực hiện:

Tháng 6/2014: Các nhóm chuẩn bị tham luận sẽ tự bố trí thời gian, thống nhất và hoàn thiện báo cáo nhóm mình, hoàn thành trong tháng 6.2014 để chuyển qua khâu dịch thuật tiếng Nhật và tiếng Anh:
-
Tiếng Nhật: Lê Thị Bình, Hồ Hoàng Hoa
-
Tiếng Anh: Lê Văn Truyền, Nghiêm Xuân Đức,…

Giữa tháng 8/2014: Hoàn thành các báo cáo (Việt-Nhật-Anh) để in phát cho khách tham dự Tọa đàm.

Tọa đàm Haikư Việt lần thứ I này đặc biệt có sự tham gia của Hiệp hội Haiku thế giới WHA, đã trao đổi thống nhất với bà Lê Thị Bình trong tháng 4,5 năm nay.

II. Ra Tuyển tập Haikư Việt số 2 (3 ngữ)

Thể thức:
a.
Sẽ trình bày tập thơ theo 5 phân đoạn: Xuân - Hạ - Thu - Đông - Ngoài mùa (theo kinh nghiệm của Haiku Nhật Bản và Haiku thế giới).
b.
Mỗi hội viên gửi 10 bài tự chọn HAY NHẤT  của mình CHƯA IN TRONG CÁC TUYỂN TẬP HAIKU VIỆT TRƯỚC ĐÓ (Hà Nội, HCM, Nha Trang). Lưu ý: Có thể đã đăng trong các Nội san Haiku không sao!

Hạn gửi qua mail là 20/6/2014 để thông qua Ban biên tập và tiến hành dịch ra tiếng Nhật, Anh để kịp xin giấy phép và in trong tháng 8/2014 (chỉ trong vòng 3 tháng, rất khẩn trương mới kịp phát hành đúng dịp khai mạc tọa đàm.). Địa chỉ email gửi bài: haikuviethanoi@gmail.com và pk.dinhtranphuong@gmail.com

Ban Biên Tập:

Đinh Nhật Hạnh, Lê Thị Bình, Lê Đăng Hoan, Lê Vũ, Đinh Trần Phương, Lý Viễn Giao, Nghiêm Xuân Đức, Cao Ngọc Thắng, Hoàng Xuân Họa, Lê Văn Truyền, Hồ Hoàng Hoa.

Xét công việc chuẩn bị tọa đàm và ra tập san rất mới lạ và quan trọng , yêu cầu các hội viên quán triệt tinh thần, tham gia phối hợp nhịp nhàng, sát sao, hoàn thành đúng lịch đã định.
Ban tổ chức tọa đàm đang bàn sơ bộ, sẽ thông báo chính thức sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Hội Hữu Nghị Việt Nam Nhật Bản và Liên Hiệp Các Hội Hữu Nghị Hà Nội chủ trì. Xin chờ các thông báo tiếp. Trên đây chỉ là 2 khâu cơ bản của chúng ta tự thực hiện nghiêm túc.
Xin hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp của các thành viên CLB!

Đinh Nhật Hạnh
Chủ tịch CLB Haikư Việt - Hà Nội



Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Cảm nhận về bài thơ Haiku "Tiếng hạ" của Lý Viễn Giao


http://www.luanhoan.net/gocchung/html/gc481_files/image002.jpg


                                                                                                        Huỳnh Xuân Sơn 

          Mùa hạ đến cũng là lúc cảm xúc thơ ca thăng hoa trong tâm hồn các thi sĩ. Tôi dám chắc không có một nhà thơ nào mà lại không có tác phẩm viết về mùa hạ.
          Thói quen đọc thơ đã khiến tôi lang thang hết nơi này đến nơi khác cũng chỉ nhằm thoả mãn niềm yêu thích thơ của mình..Thật thích thú khi thả tâm hồn mình theo những tứ thơ bay bổng về những cuộc chia ly mang theo màu hoa đỏ, nước mắt nhạt nhoà theo những cánh lá me bay. Thổn thức cùng tiếng ve. Để rồi mỗi khi gặp ý thơ đồng cảm lại nao nao…
          Rồi tôi đã gặp một Tiếng Hạ của tác giả đã vào tuổi ‘thất thập cổ lai hi’. Những câu thơ ngắn gọn, xúc tích, gợi một Tiếng Hạ níu tâm trí tôi lại rất lâu và rồi lòng tham đã thúc giục tôi mang về, ngồi ngẫm nghĩ từng câu từng chữ trong Tiếng Hạ của tác giả Lý Viễn Giao 

Tiếng Hạ

Dưới vòm me                                                                                                                          
Một dàn ve                                                                                                                               
Lay chùm nắng 
          *
Tiếng chim cu                                                                                                                           
Gật gù                                                                                                                                    
Xóm vắng
          *
Sau trận mưa rào                                                                                                                     
Nước ngập bờ ao                                                                                                                 
Đêm đầy tiếng ếch
          *
Gió thầm thì                                                                                                                         
Sáo vu vi                                                                                                                             
Diều treo mắt
          *  
Sao đầy trời                                                                                                                      
Giọt sương rơi                                                                                                                 
Dế mèn thôi hát               (Lý Viễn Giao)
          Năm khúc hạ được tác giả khắc hoạ bằng năm bài thơ thể Haiku.(Một thể thơ được coi là ngắn nhất thế giới, xuất xứ từ nước Nhật của thi sĩ lỗi lạc cũng là một vị thiền sư Matsuo Basho khai sinh ra, sau đó được hai nhà thơ Yosa Buson và Masaoka Shiki hoàn thiện như chúng ta thấy ngày hôm nay. Thơ Haiku du nhập vào Việt Nam từ rất lâu nhưng không phổ biến rộng rãi bằng các thể loại thơ khác…Tuy vậy ta vẫn gặp được thể thơ này nếu muốn …)
 Khúc hạ đầu tiên được tác giả Lý Viễn Giao viết:
Dưới vòm me                                                                                                                            
Một dàn ve                                                                                                                     
Lay chùm nắng
          Thật thơ mộng khi tác giả cho ta chiêm ngưỡng khung cảnh trước mặt vào buổi sáng mà hình ảnh cụ thể ở đây là “Dưới vòm me”có thể là tại một góc phố nơi thành phố, một góc thị tứ, hay là cạnh cổng làng và cũng có thể là  một góc vườn nhỏ…ở đó có “Một dàn ve”…Quý ngữ thể hiện rõ ở câu này. Chỉ có mùa hạ mới có tiếng ve ca, ý nghĩ thứ hai xuất hiện bởi câu “Lay chùm nắng”…Tiếng dàn ve lay động nắng vàng xuyên qua đám lá me xanh. Hoặc cũng có thể gió mùa hạ lay động tán lá me khiến cho người nhìn cảm nhận được từng chùm nắng lay động…..
          *
Khúc hạ thứ hai đã cất lên với vỏn vẹn 7 từ:
Tiếng chim cu                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            Gậtgù                                                                                                                                   
Xóm vắng
 Sự việc cụ thể ở đây là “Tiếng chim cu” quý ngữ chỉ mùa hạ về, vọng vang trong những buổi chiều. Tiếng những chú chim cu cất tiếng gáy gọi bạn tình hoặc là tiếng gáy chọc tức đối thủ….Mùa chim cu gáy tìm bạn cũng là mùa hạ…Tiếng Hạ này có sức gợi ở câu thứ hai rất rộng.Gật gù, người nghe chim cu gáy gật gù tán thưởng hoặc giả chính những chú chim cu gáy ấy gật gù…Ý gợi tả thứ hai đưa ta đến khung cảnh làng quê với hai từ “Xóm vắng”…với tôi xóm vắng gợi nhớ những buổi chiều quê êm ả đó đây là tiếng chim cu gù gọi bạn…lác đác vài cánh cò tìm về tổ muộn… Và xóm vắng cũng có thể là một khu phố bình yên với mấy thi sĩ đang ngồi nhâm nhi tách trà nóng mà gật gù theo tiếng mấy chú chim cu gáy trong lồng....một Khúc hạ nên thơ và gợi mở thật thú vị...
          *
Khúc hạ thứ ba cũng đã bắt đầu lên tiếng:
Sau trận mưa rào                                                                                                                  
Nước ngập bờ ao                                                                                                                  
Đêm đầy tiếng ếch
Mùa hạ về với phong cảnh làng quê đây rồi! tác giả hẳn đã có một đêm trú ngụ sau mưa ở một làng quê vùng trung du. Tác giả không hề đưa cảm xúc vào chỉ gợi thôi mà khiến tôi và hẳn nhiều bạn đọc cũng tràn đầy cảm xúc khi đọc và cảm khúc hạ này.Thời gian cụ thể ở đây là “Sau trận mưa rào”(Quý ngữ chỉ mùa hạ đặc trưng của miền bắc) khi mưa rào  thường xảy ra vào cuối giờ chiều cũng có khi giữa chiều với lượng nước rất lớn. Nước mưa từ những triền đồi hay những thửa ruộng bậc thang tràn xuống ao chuôm và những thửa ruộng trũng không thoát kịp làm “Nước ngập bờ ao”…Rồi khi đêm xuống bắt đầu là lúc ếch nhái và các loài côn trùng kêu ran.. được tác giả nhắc đến trong câu cuối đầy sức gợi và sống động “Đêm đầy tiếng ếch”..Từ Đầy được tác giả dùng trong trường hợp này quả thật đắt giá, đêm mênh mông là thế mà cũng Đầy bởi tiếng ếch gọi nhau...Một Tiếng Hạ sống động gợi mở làm điểm nhấn của cả chùm thơ.
          *
Khúc hạ thứ tư, đưa ta bay bổng vào không trung
Gió thầm thì                                                                                                                          
Sáo vu vi                                                                                                                                    
Diều treo mắt
Một hình ảnh trừu tượng xuất hiện “gió thì thầm” chưa cho ta liên tưởng thấy mùa hạ, bởi Thu cũng gió nhẹ nhàng vậy! ta vào câu thơ tiếp “sáo vu vi”… ồ ! mùa hạ với tiếng sáo diều vi vu trên không ngày nào ta gửi gắm biết bao ước mơ đây rồi. Tiếp theo là một câu thơ thực sự gợi mở với rất nhiều ý nghĩ cuốn theo “Diều treo mắt”. Xưa là những con diều giấy mang theo ống sáo vi vút trên nền trời xanh đã khiến lũ trẻ con chúng tôi vốn chỉ có cánh diều nhỏ xíu ngước mắt nhìn theo ngưỡng mộ…và nay là những cánh diều đủ màu sắc khiến mấy đứa trẻ không chỉ treo mắt nhìn theo… mà còn có hẳn một lễ hội diều với muôn hình thù các cánh diều nhiều màu sắc lớn nhỏ bay liệng trên bờ biển khiến cho người lớn cũng phải “treo mắt” mà không biết chán. Một tiếng hạ của tác giả đẹp đến nao lòng…
          *  
Dù không muốn thì khúc hạ thứ 5 cũng đã lên tiếng
Sao đầy trời                                                                                                                          
Giọt sương rơi                                                                                                                            
Dế mèn thôi hát .
           Một đêm hè trời trong veo là hình ảnh cụ thể mà tác giả miêu tả “Sao đầy trời”. Nhưng đêm mùa hạ này đã khuya lắm rồi bởi câu thơ “Giọt sương rơi” gợi cho ta thấy đêm khuya, nhưng nếu chỉ có sương rơi thì chưa hẳn là đêm hè..Nhưng hình ảnh “sao đầy trời” thì không thể là mùa nào khác. Và câu cuối khẳng định thêm điều đó bởi “Dế mèn thôi hát”. Đêm sao đầy trời cũng là lúc những chú dế cồ dế trũi cất tiếng gáy…chỉ đến khi trời khuya khoắt chúng mới ngủ…Mặc sương rơi, mặc sao sáng…
          Năm khúc hạ là năm cung bậc âm thanh khác nhau, tạo nên chùm thơ Tiếng Hạ của tác giả Lý Viễn Giao. Cám ơn tác giả đã cho tôi có cơ hội đồng hành với những câu thơ ngắn gọn về âm tiết, bao la về ý thơ và trĩu nặng về tình thơ…Năm cảnh sắc mùa hạ trong thơ ông cũng chính là năm tác phẩm được tạo ra từ những ngôn từ chắt lọc cẩn trọng theo luật thế thơ Haiku, mà tôi đã được chiêm ngưỡng…Tôi đã tự nhủ thầm rằng :năm bông hoa này còn khoe nhiều hương sắc khác mà với một góc nhìn còn hạn hẹp tôi chưa thể cảm nhận hết được.
          Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi giành cho một tác phẩm mà tôi tâm đắc.