haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Sinh hoạt thơ tháng 5



Tập thơ Hai kư “Giọt sương giọt nắng” của Vũ Tam Huề
Từ ngạc nhiên đến thán phục
Lê Đăng Hoan
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

Hồi còn ở Mạc Tư Khoa, thỉnh thoảng gọi điện cho nhau tôi thường đọc cho anh nghe những bài thơ tôi thích . Anh chỉ nghe, nhưng thỉnh thoảng sửa cho tôi những chữ tôi nhớ sai. Khi nghe tôi nói thích bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, anh nói anh cũng thích lắm,và thế là tôi đọc, anh nghe, thỉnh thoảng chêm vài lời bình luận.
Tôi cũng chỉ biết rằng anh là một người thích thơ như tôi, chứ không có hoài vọng gì về sáng tác thơ văn .
        Chúng tôi về Việt Nam. Mỗi người một ngả, anh vào miền Nam làm cho ngành dầu khí, còn tôi ở miền Bắc làm cho viện Mỏ - luyện kim, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc, vì chúng tôi có những tâm sự chung của những người bạn thân, đồng cảm.
        Thế rồi, một hôm, nhân tiện ra Hà Nội , anh tặng tôi quyển sách “Hoài cảm”.  Tôi đọc và ngạc nhiên về những “hoài cảm” sâu sắc của anh, về những gì anh đã có và sự “tinh tế” của anh trong cách viết, ngạc nhiên vì không biết anh đã tích lũy những điều đó từ bao giờ. Khi đọc đến bài “ “Bài thơ hoa sim tím ” trong tác phẩm, thì tôi mới biết tại sao hồi ở Liên Xô anh lại thích nghe tôi đọc bài thơ “Màu tím hoa sim” đến thế.
  Bẵng đi một thời gian, một ngày mùa hè năm 2004, anh gọi điện cho tôi, bảo ra hiệu sách Trung tâm mà mua quyển sách “ Miếng nhớ miếng thương” của anh vừa mới xuất bản . Tôi vội vàng ra mua ngay về hai quyển , để cho anh bạn tôi một quyển. Đây mới thật là sự ngạc nhiên của chúng tôi. Đọc xong tôi và anh bạn gọi điện cho nhau cùng thốt lên “ Anh ta lấy đâu ra những món ăn và làm sao mà có thể kể nó một cách tỷ mỷ đến thế!!”. Nếu ai đọc quyển sách đó sẽ thấy một sự nghiên cứu tỷ mỷ, khoa học và nghệ thuật tả các món ăn của tác giả thật hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Tôi ngạc nhiên về năng khiếu văn học của anh mà trước đó tôi chưa hề nghĩ đến.
        Tôi nhắc đến những kỷ niệm trên là đề  mở đầu cho một nội dung khác, nội dung mà tôi càng ngạc nhiên hơn và từ ngạc nhiên đó đi đến thán phục hơn nữa..
  Cách đây khoảng 3 năm anh gọi điện cho tôi bảo rằng, đã bao giờ đọc thơ Hai Kư chưa?   Tôi trả lời tôi “lần đầu tiên nghe đến chữ  Hai Kư”. “Thế thì đọc đi! Mình sẽ gửi ra cho mấy bài mình viết và bài  lý thuyết của các Giáo sư về thơ Hai Kư mà tìm hiểu”. Rối anh giải thích cho tôi về những nét cơ bản của thơ Hai Kư .
    Nhưng khi nghe nói thơ “Hai Kư” Nhật là thơ ngắn, theo luật 5- 7 – 5 (17 chữ) và phải có “ quý ngữ” chỉ các mùa trong năm, thì tôi trả lời rằng các nhà thơ mới của ta đã có công làm cuộc cách mạng từ thơ khuôn mẫu thành thơ mới, thơ “tự do”, bây giờ ta lại ép mình vào một loại thơ khuôn mẫu để làm gì. Tôi không thích, tôi thích tự do hơn là khuôn mẫu.
   Nhưng rồi anh cứ gửi cho tôi, và sau đó còn tặng tôi tập thơ “Tuyển tập thơ Hai Kư” của Câu lạc bộ thơ Hai Kư  Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó mấy bài thơ được giải của anh tại cuộc thi thơ Hai kư do Lãnh sứ quán Nhật ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
     Rồi cứ như thế tôi hờ hững đọc, đọc như một người đi lên vỉa hè nhìn người ta đi giữa lòng đường.
     Tháng 5 năm 2010 anh tặng tập thơ Hai Kư “Khúc vô thanh”, tập thơ riêng của anh và đến hôm nay tuy chưa xuất bản nhưng anh cũng đưa tôi bản thảo tập thơ Hai Kư Việt “Giọt sương giọt nắng”.
     Cứ như thế, nhờ anh và nhà thơ Đinh Nhật Hạnh mà tôi quan tâm tới Hai Kư. Từ một người đi trên vỉa hè, tôi dần dần từng bước một xuống lề đường rồi mon men hòa vào  dòng người lúc nào không biết.
   Với tập thơ “Khúc vô thanh” thật sự tôi chưa thấy thích lắm, nhất là cái đầu đề, nghe nó cứ khó hiểu, có vẻ kim, kim, cổ, cổ thế nào ấy, tại sao lại là “Khúc vô thanh”sao không đặt một đầu đề khác cho dễ hiểu hơn, Việt Nam hơn, hay gì cái từ “nửa Hán nửa Việt” mờ mờ ảo ảo ấy. Tôi đã đọc và dù sao trong cái nhận thức ban đầu của tôi, cũng đã nhận được sự đồng cảm nào đó với một số bài thơ tôi thích. Nhưng có lẽ hai bài tôi thích nhất trong tập thơ này là:
                  “Từng chiếc lá đỏ
                    Rơi vào nỗi nhớ
                    Mùa thu của Nga
Và bài “Giấc mộng mùa đông
            Hoa hồng
           Nở trong tuyết trắng ”
   Lý do thích cũng rất đơn giản vì tôi và tác giả đã thưởng thức mùa thu nước Nga và cùng nhau “mơ một cánh hoa hồng” “giữa mùa đông giá buốt”. Chỉ cần bốn chữ “Mùa thu nước Nga” và hai chữ “tuyết trắng” cũng làm nổi dậy ký ức trong tôi một hình ảnh nước Nga quen thuộc, người nước Nga chân chất và những cánh rừng nước Nga đẹp đến mê hồn trong mùa Thu và mùa Đông.
    Hồi ở Mạc Tư Khoa tôi ở ký túc xã của Đại học, còn anh cùng gia đình (vợ con) cùng ở khu ký túc xá nhưng có 2 phòng khá tiện lợi. Gần ký túc xá chúng tôi ở có những cánh rừng cây phong, cây bạch dương mà không cần nói thì ai cũng biết đó là nguồn cảm hứng tạo nên những tác phẩm thơ văn nổi tiếng của các nhà thơ, nhà văn Liên Bang Xô Viết.
    Bây giờ cầm trên tay tập bản thảo tập thơ Hai Kư Việt “Giọt sương giọt nắng” của Vũ Tam Huề, thì tôi mới đi đến sự thán phục. Nếu như trong “Khúc vô thanh”, có gì đó mơ hồ, trừu tượng, bắt ta phải tư duy mới hiểu được, thì ở “Giọt nắng, giọt sương” ta thấy gần gũi hơn, dễ đọc hơn, hiểu hơn tâm sự của tác giả.
    Trong nhiều cảm nhận của tôi về tập thơ này thì cảm nhận “đồng cảm” nhất với tôi đó là “nhìn cảnh thấy tình người”, “nhìn vật vô tri thấy tâm hồn mình ở đó”. Nhiều khi tác giả nhìn cảnh hiện tại thấy lại những gì đã có trong quá khứ, để phút chốc quay lại với cái thời đã qua. Mà cái “quay lại” đó có lẽ rất hợp với lứa tuổi này. Thấy tiếng tiếc  những gì đã qua để có lúc “giá mà thế này “ “giá mà thế kia”. Ta hãy đi cùng tác giả:

“Hương buởi đâu đây
Thơm lây ngọn gió
Tương tư tóc dài”
         (Bài 4)

“Đóa lan hài
Chút hương phai
Bước ai qua thềm”
(Bài 5)

“Bên hoa cúc dại
Người mong tìm lại
Hương xưa”
 (Bài 52)
    Từ phảng phất mùi hương hoa bưởi rất quá quen thuộc với chúng ta, ta bỗng dưng nhớ đến những lúc bên ai đó với “mái tóc dài” thoảng hương thơm theo ngọn gió. Hay một chút hương hoa lan làm ta tưởng như có bóng ai đó đang bước qua thềm nhà ta. “Hoa bưởi ”và “hoa lan” đều là loại hoa từ thôn dã, từ núi rừng mà theo bước chân con người ngàn đời được sàng lọc, lựa chọn để thành loại hoa sang trọng, quý phái mà làm cho bất cứ người nào, không kể sang hèn, cũng cảm thấy nao lòng, xao xuyến mỗi khi được thưởng thức dù một chút thoáng qua trên đường hay trong gió. Đó cũng là mùi hương nhắc ta đến với những tình yêu ban sơ, hay những cuộc tình dang dở, khi ta đang còn tuổi học trò “quê mùa”. Để ta nhớ, ta thương, ta trở lại với chính ta khi đã thành đạt trong cảnh phồn hoa.
  Rồi đến những bài thơ này thì thật sự tôi không thể nghĩ rằng thơ “Hai Kư” mà lại mang tâm hồn “Việt” sâu sắc đến thế! . Ta hãy đọc lại nỗi lòng của một người con Việt xa quê qua thơ Hai Kư Việt.
“Ngọn gió thu
Vắng hát tiếng ru
Nghe thơm hương thị”
                   ( Bài 21)

“Ổ rơm ấm
Bếp lửa hồng
Đêm đông cổ tích”
            (Bài 32)
“Chén trà thơm
Mùa hoa
Quê cũ”
     ( Bài 35)
“Tiếng gà gáy trưa
Vời vợi tuổi thơ
Cánh võng”
     ( Bài 44)
“Vu vơ
Một tiếng chim đêm
Gọi về nỗi nhớ”.
              ( Baì 47)
 “Quê mẹ mùa thu
Nhớ tiếng chim gù
Thèm xôi nếp mới”.
        ( Bài 61)
“Chuyến đò
Sông quê
Thơm mùi ngô nướng”
           (Bài 62)

     Những bài thơ theo mạch suy nghĩ này không biết người Nhật đọc được cũng thấy man mác mà vỗ tay khen rằng “Sao lại ở Việt Nam mà có một tác giả thơ Hai Kư biết kết hợp “cảnh và người”  “thiên nhiên và tình cảm” đến thế”
    Tôi thực sự khâm phục mà không cần bình luận một lời nào. Ai xa quê hương, ai đã từng có những kỷ niệm với làn khói chiều từ những bếp lửa hồng lơ lửng trên mái nhà gianh, chén trà thơm, tiếng chim đêm, chuyến đò sông quê…mà không đồng cảm với những bài thơ đầy tình người như thế. Rồi những bài thơ đầy tình thương, tình nhân loại sau đây làm cho ta càng thêm có trách nhiệm hơn với cuộc đời :
“Em bé mù
Nghe nhịp trống ếch
Mơ đèn trung thu”
        (Bài 78)
 “Em bé câm điếc
Lắng tiếng chim hót
Từ trái tim mình”
( Bài 79)
Tôi còn muốn nói thêm một số bài nữa. muốn nói về tình cách, tình cảm riêng chung của một nhà khoa học hơi lãng mạn và “thích cô đơn này”. Nhưng để hạn chế bớt lòng tham của mình, tôi chỉ trích thêm ra đây một bài nữa, mà khi đọc xong, tôi phê ngay một chữ “ Hay!”(có dấu châm than) để thăm dò thêm sự đánh giá của bạn đọc:  
“Giọt sương rơi
Cánh hoa khép mình
 Xấu hổ”
 ( Bài 30).
             (Bờ Hồ ngày mưa gió(Cơn bão số 3)
        LĐH

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Hình ảnh buổi sinh hoạt tháng 5 - 2012


Hôm qua, ngày 26-5-2012,  tại tầng 15 tòa nhà VIT, đường Kim Mã Hà Nội. CLB thơ Haikư Việt Hà Nội sinh hoạt buổi thường kì như quy định (02 tháng một lần). Mờ đầu buổi sinh hoạt, nhà thơ Đinh Nhật Hạnh trao hai tập sách của CLB Hiệp Hội Haikư thế giới gửi tặng tới từng thành viên là người Việt Nam của CLB này, và tập “Hoa giấu mặt”, thơ ba dòng (thơ Hakư) của nhà thơ Mai Văn Phấn ở Hải Phòng tặng chung cho CLB do nhà văn Lê Đăng Hoan trao lại cho ông chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh. Ông Đinh Nhật Hạnh phấn khởi đón nhận và gửi lời cảm ơn nhà thơ Mai Văn Phấn qua nhà văn Lê Đăng Hoan. Sau việc nhận sách tặng là công bố thủ tục kết nạp  thành viên mới; chị Nguyễn Hoàng Lâm, do nhà thơ  Nguyễn Thị Kim giới thiệu. Tác giả Nguyễn Hoàng Lâm đã trình bày 50 bài Haikư ra mắt của mình.  
Dưới đây là một số hình ảnh về buổi sinh hoạt tháng 5 – 1012 kể trên.
Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh giới thiệu về hai tập sách của CLB Haikư thế giới.
Nhà văn Lê Đăng Hoan trao tập thơ "Hoa giấu mặt"  của nhà thơ Mai Văn Phấn cho CLB 

Thành viên mới Nguyễn Hoàng Lâm trình bày 50 bài Haikư của mình






Tuần tới chúng tôi sẽ lần lước đăng thơ của buổi sinh hoạt này. 

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Đọc "HOA GIẤU MẶT" - thơ 3 câu của Mai Văn Phấn (Bài bình của Nguyễn Khôi)


Nhà thơ Nguyễn Khôi gửi Emai cho chúng tôi bài viết về  tập thơ “Hao giấu mặt” - tập thơ thể ba dòng của nhà thơ Mai Văn Phấn. Một bài viết khá “sâu sắc và tính tế” (Mai Văn Phấn). Hóa ra không phải chỉ riêng những thành viên CLB Haikư Việt Hà Nội chúng ta việt hóa thể thơ cực ngắn này của người Nhật, mà các nhà thơ tên tuổi như Vương Trọng, Nguyễn Anh Nông, Mai Văn Phấn cũng đã lặng lẽ sáng tác, cho ra đời những tập như: “Lững thững xanh” (Nguyễn Anh Nông), “Hoa giấu mặt” (Mai Văn Phấn)... “Lững thững xanh” của Nguyễn Anh Nông trên giao diện Haikư Việt đã có lần giới thiệu.
Để chào mừng buổi sinh hoạt vào ngày 26 tháng 5 sắp tới, HKVHN  trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Khôi.
Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi.


          Bìa một tập thơ 
        Đọc "HOA GIẤU MẶT" - thơ 3 câu của Mai Văn Phấn    

                                                 (Tặng : Tô Ngọc Thạch)
                                      -------------------
Mai Văn Phấn sau chặng đường dài (1995-2010) dấn thân vào việc "cách tân thơ" (với trên 300 bài thơ Hậu hiện đại) đã để lại những dấu ấn nghệ thuật "có một không hai, với sự cải cách đa phong cách và thuyết phục nhất của thơ Việt đầu thế kỷ 21" (theo Đỗ Quyên).
 Tháng 5 này, Mai văn Phấn vừa in tập "Hoa giấu mặt" với 99x2=198 bài đoản thi "thơ 3 câu"...đây là một thể thơ "Haiku Việt"- hiện mới có một số Nhà thơ ta làm thể nghiệm- mà nguồn gốc là thơ Haiku Nhật Bản, một thứ đoản thi với 17 âm tiết gắn với thiên nhiên 4 mùa bằng các Quí ngữ riêng cho mỗi mùa trong năm, kiểu như "đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" của thơ Nguyễn xuân Sanh hồi trước 1945.
Haiku cực ngắn nhưng tải được cả tinh tuý hồn thơ của xứ Phù Tang xưa :

        Wochi kochi ni
        Taki no oto kiku
        Wakaba kana

dịch : Gần xa đâu đây
         Tiếng thác nước chảy
         Lá non tràn đầy.

Trong "Hoa giấu mặt", ở Mai Văn Phấn, ta cũng gặp tâm hồn đồng điệu:
       
         Hừng đông
         Miệng chim non
         Hớp những đám mây
                 (ngày mới)

Số bài đủ 17 âm tiết :
        
          Anh là đám cỏ lan ra lối đi
          Em đi hài đỏ
          Giẫm lên anh phải không ?
                  (kiếp trước)
         
          Hoa Hoàng yến lan ra mép nước
          Cơn gió không dám gần
          Cây trút lá xuống vực
                  (con mắt nghiêng-bài 3)
         
          Vẽ cung tên ngoài ngõ trừ quỷ dữ
          Đêm cuối năm
          Bậc cửa lao xao lá khô.
                   (có kẻ mách lẻo)

Khá dồi dào các bài dùng "quí ngữ" :

           -Xuân : Tiếng chim ríu rít
                       Khói hương
                       Chỉ nhớ cầu lá non
                    (giờ tụng niệm)

           -Hạ :    Gió
                      thổi từ đâu
                      dâng hương sen nơi này
                     (đỉnh núi cao)

            -Thu :   Bóc trái hồng
                       Vừa chín
                       Sợ người thỉnh chuông
                      (Thu đầy)

             -Đông : Đắp chăn
                        Sót lại đám lá
                         Run rẩy ngoài cửa sổ
                         (Trời rét)

   Thơ Haiku Nhật xưa coi trọng"cảm xúc 4 mùa" rất ý vị, xa xôi và đượm chất tịch lặng của  Thiền. Thơ 3 câu của Mai Văn Phấn tuy cũng lấy cảm xúc từ thiên nhiên, nhưng đã kheó phả  những rung động rất hiện sinh  theo lối hậu hiện đại gắn với cội nguồn truyền thống. Qua những vần thơ, ta thấy hồn thơ Mai Văn Phấn nóng bỏng hiện thực (đầy tính ẩn dụ-  phúng dụ thời thế, ý tại ngôn ngoại...) :
       
   Lặng lẽ rửa mặt
   bờ bãi
   Cò vạc bay xao xác
       (sáng sớm ở quê ngoại)- chắc không phải  Tiên Lãng ?

    Chưa chắc cha  đã dùng
     Con vẫn gửi
    Mũ và cây gậy này
        (Hóa vàng)- đang xảy ra ngập ngụa khắp nơi.

   Nơi con chuột sập bẫy
   Suốt đêm
    Không con nào qua
        (Bí ẩn)- để sợ mãi  "tai nạn nghề nghiệp" ở Vườn Bùi xưa.

    Không thể tin
     Đám mây say đắm hôm qua
    Đang làm mình ướt
         (nghĩ trong mưa)-để nhớ thời bao cấp ?

 Để sáng tác thơ Haiku Việt (3 câu),cũng là một sự đổi mới thi pháp thì người làm thơ phải có "tài" (vận dụng-sáng tạo,Việt hóa kiểu thơ gốc Nhật),đồng thời phải có" chí" (kể cả Thi ngôn chí)...với Mai Văn Phấn qua 15 năm Cách tân thơ (bằng đời Nàng Kiều) có thể nói là có "đủ" tiêu chí này, nhưng vượt trên tất cả là phải có  cái Hồn Quê ? ở đây Thi sĩ đã lồng rất khéo cái tư tưởng triết lý  một  cách kín đáo, tế nhị vào các câu thơ rất kiệm lời, không sa đà "thôi xao" kiểu "phu chữ", đã xây dựng được những hình tượng thơ đẹp , ý mới, tứ lạ :

     Váy đỏ
     Em dạo quanh cây Phượng
     chưa hé nụ
               (Tháng giêng)

     Thu mình trên ghế
      Vẽ bầu trời
      không có chỗ cho mây
                      (Tôi)
          
      Con Diệc
     Lò mò trong tiếng mõ
      tưởng tượng
                        (Phật tính) V.v...

Cứ như thế, cứ như thế...thơ 3 câu của Mai Văn Phấn là thả con chữ vào trời xanh...cứ như chàng Họa sĩ nơi đồng quê với vài nét chấm phá tạo ra những bức tranh ( đời) có đủ tình-cảnh-sự nơi Thi sĩ đang sống và đi qua...Cái sáng tạo và đóng góp của Mai Văn Phấn ở mảng thơ 3 câu hôm nay là anh đã khéo lồng những ý  tưởng (tâm tư tình cảm) vào trò chơi chữ nghĩa với ngôn ngữ thơ tinh luyện  cùng với sự gieo vần, gối âm tạo thành  nhạc điệu tự nhiên của chim trời,mây gió, hoa lá cỏ cây cùng gót hài đỏ, tiếng mõ, tiếng chuông chùa của bờ bãi đồng quê gieo những âm vang khi bay bổng, khi trầm lắng trong lòng người đọc  . Thơ 3 câu Mai Văn Phấn ra đời đúng lúc thơ đang khủng hoảng (hệ quả của bùng nổ thông  tin, của thời "ra ngõ là gặp Nhà  thơ" ,lạm phát thơ vô tội vạ., chạy theo hình thức, coi nhẹ nội dung tư tưởng,..)  anh đã mở một lối đi riêng, rộng thoáng mà vẫn cao  sang lịch lãm giữa cái thế gian đang đầy  "mây xám /biển đen / cá ngoi mặt nước" nhưng "con cá ấy đã  lớn" và "quẫy vào biển sóng", đó là:

      Đêm mơ cá quẫy
      Tiếng ao vỡ
      Tự do bơi

thật như đời Thi nhân tự do sáng tác cho thơ chắp cánh bay đến những chân trời mới lạ của "Hoa giấu  mặt"- thơ Mai Văn Phấn là thế mà...

           Góc thành nam Hà Nội , 23-5-2012
                        Nguyễn Khôi

======================
haixuanhxh giới thiệu

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Hai chùm thơ của Cao Ngọc Thắng và Nguyễn Đăng Minh


Cao Ngọc Thắng

Ra ngoại thành
Cây bàng khẳng khiu
Run mưa lạnh
Nhú biếc thơ bay

Ký họa
Quánh bắp chân
Soi gương
Dấu hỏi cấy mùa
           CNT
************

Nguyễn Đăng Minh

Bài 001
Không làm hại côn trùng
Kể cả bướm xinh, ong duyên dáng
Sao gọi là hoa dại?

Bài 002
Người người lớn lên
Trên quả đất… vòng quay khép kín
Mặt trăng vết chân trần

Bài 003
Trên con đường cuộc sống
Tôi chỉ gặp hai người: Trai, Gái
Đội sương về phía sau…

Bài 004
Bờ biển dài vô tận
Sóng đại dương vỗ suốt ngày đêm
Lòng sâu lặng cô đơn

Bài 005
Máy tính đã già nua
Màn hình đen lặng câm hình ảnh
Đường chiều tạnh tiếng ve
                    NĐM
****************

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Haiku ngẫu hứng nhàn đàm - Lý Viên Giao


            Tác giả bài viết, Người đứng
Thơ Haiku của Nhật Bản được người Việt Nam tiếp cận từ nửa đầu của thế kỷ trước . Những người đi tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến các nhà thơ Trần Dần , Lê đạt , Dương Tường ...
          Ở Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã có nhiều người nghiên cứu và sáng tác thơ Haiku . Câu lạc bộ Thơ Haiku Việt được thành lập để tập hợp lực lượng này lại nay đã bốn tuổi . Nhiều nội san và tuyển tập đã phát hành rộng rãi và được đón nhận như những món quà của trí tuệ . Tại Hà Nội , từ hai năm trước cũng manh nha một nhóm người làm thơ Haiku rất gắn bó với CLB ở phương Nam đất nước . Đó là tiền thân của CLB Thơ Haiku Việt ngữ ( Hay Thơ Haiku Tiếng Việt ) bây giờ nằm trong Hội Hữu Nghị Việt – Nhật . Tổ chức này cũng mới đầy tuổi vừa xong .
          Những bài giới thiệu và nghiên cứu thơ Haiku cuả Nhật Bản đầy ắp trên các ấn phẩm từ sách cho đến báo chí và cả trên mạng nữa . Người muốn tìm hiểu không khó khăn gì để tìm thấy .
          Với tên gọi của các CLB như nói trên có thể gây ngỡ ngàng ít nhiều . Vâng , thơ Haiku không phải của Việt Nam , rành rành là của Nhật Bản ! Những tên gọi này chỉ khảng định đây là thơ Haiku nhưng do người Việt làm bằng tiếng Việt . Và như vậy mặc nhiên cái “ Bình ” Haiku Phải chứa
“ Rượu ” Việt rồi ! Chúng ta mặc sức đưa hồn Việt , nét văn hóa đặc trưng Việt , nhân sinh và vũ trụ quan Việt ... vào thơ một cách đương nhiên không một chút gò ép . Khi đọc khúc Haiku sau :
                                           Vườn chè
                                           Trăng loe
                                           Dế hát .
Ta có thể nào lại không nhận ra không gian của một góc quê Việt bình an , thư nhàn , hòa quyện thiên nhiên và sự sống . Cũng có quý ngữ đấy chứ và cũng gợi lắm chứ . Đứng ở góc này ta có thể trải lòng với không gian rộng lớn , với nhiều niềm yêu rộng lớn hơn ! Và đây một khúc nữa :
                                            Như thể dao cau
                                            Cắt nhau
                                            Vết sẹo .
Bóng dáng của ca dao rõ mồn một . Tình yêu đôi lứa trong sáng , rồi cả nỗi đau mất mát khi không có nhau cũng đằm sâu và quá đỗi nhân văn . Chỉ gói gọn trong tám âm tiết mà con mắt của giai nhân gợi ta mở tầm cho những cái nhìn , những cách nhìn rồi soi trở lại lòng mình những dấu ấn trong sáng của cuộc đời riêng tư .
          Thơ Haiku Nhật xưa kia có những tiêu chí nghiêm ngặt . Bây giờ , các tác gia Nhật Bản làm thơ Haiku hiện đại đã có nhiều linh hoạt về quý ngữ , về số âm tiết và cả về nội hàm . Người ta có thể nói đến mọi khía cạnh của nhân sinh quan , thế giới quan , thậm chí cả những điều thầm kín trong yêu đương đôi lứa . Cái bất biến dường như chỉ còn lại chủ yếu ở tính gợi trực cảm , tính hàm súc và cấu trúc ba dòng với những ngắt ý ( Cắt - Kiru ) sắc nét . Có người cho rằng ta phải “ Đổi mới ” ( Hay “ Cách tân ” , “ Mở rộng ” , “ Việt hóa ” ) thơ Haiku khi đem nó vào Việt Nam , không nên “ Lệ thuộc vào Nhật Bản ” !
          Thử tưởng tượng có thể có một bài thơ Lục Bát mà không phải là những câu sáu , tám xen nhau với vần gieo đúng cách với nhịp điệu nhịp nhàng ? Cũng thử hình dung một bài thơ Đường luật dòng năm dòng bẩy không đúng niêm luật , hạ vần lung tung , không có phá thừa thực luận kết liệu có chấp nhận được ? Suy từ đó , một bài thơ Haiku cũng có những tiêu chí bất biến của nó mà người làm thơ phải tuân thủ .
          Thơ ba dòng có ít hơn mười bẩy âm tiết , thoáng qua có vẻ giống thơ Haiku nhưng thực chất khác nhau . Đừng nói thơ nào hay hơn nhưng đừng lẫn hai loại thơ này . Không ai buộc ai phải làm thơ Haiku nhưng đã có ý thức sáng tác nó thì nên tìm hiểu để hướng tới nó . Phàm là CLB thơ Haiku , cái đích đến phải là sáng tác thơ Haiku dẫu cho hiện tại chưa đạt được mức
cao của thể loại thơ này . Cũng không buồn khi thấy trong buổi sinh hoạt CLB hay trên ấn phẩm đang song song tồn tại cả hai thể loại . Đó là hiện thực không tránh khỏi vì thơ Haiku vào Việt Nam một cách đáng kể chưa lâu , những người am tường thể loại này chưa nhiều .
          Làm thơ Haiku là một thú chơi giống như các thú chơi khác . Chẳng hạn , khi ta yêu thích một loài hoa nào của nước ngoài muốn đem về trồng cũng mong giữ nguyên vẻ đẹp của nó để chiêm ngưỡng . Với thổ nhưỡng và khí tượng Việt Nam , cây đó có thể có những biến đổi thích nghi nhưng vẫn giữ nguyên gen cũ và cho ta hương sắc mà ta đòi hỏi . Nếu người trồng hoa chiết ghép hoa này với những giống khác để tạo ra loài hoa mới , lúc đó tên hoa sẽ phải thay đổi mà hương sắc cũng chẳng còn như xưa .
          Đa phần người sáng tác thơ Haiku ở Việt nam hiện nay chưa có thâm niên do vậy thơ hay chưa nhiều . Đặc biệt người “ Chuyên ” làm thể loại thơ này càng ít , chủ yếu là yêu thích mà làm do đó tính “ Không chuyên ” cao . Tuy vậy họ không hề chọn tư thế sáng tác cheo leo mà có định hướng rõ ràng để làm chủ một thể loại thơ hay từ Nhật Bản đến . Dẫu cho hiện tại còn hiện diện song song hai anh em thơ Haiku và thơ Ba Câu trên thi đàn của các CLB song điều đó không thể kéo dài mãi . Những ai kiên định với thơ Haiku sẽ vươn tới để ngày càng gần với nó . Trong khi đó thơ Ba Câu tuyệt vời cũng có đội ngũ điệp trùng của mình . Những người làm thơ Haiku có quyền lãng mạn nghĩ tới ngày thể loại thơ này sống vững chắc trong đời sống văn hóa Việt . Người viết và người đọc quyết chung lòng đưa thể loại thơ Haiku Tiếng Việt vào đúng vị trí đứng của nó trong đội ngũ các thể loại thơ của nước ta .
                                                            Lý Viên Giao 
  

Nguồn:http://blog.yahoo.com/_2KK3D4YHOHKQZDUGIIBTFZ3YH4/articles/204123/index