haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Sinh hoạt thơ tháng 5



Tập thơ Hai kư “Giọt sương giọt nắng” của Vũ Tam Huề
Từ ngạc nhiên đến thán phục
Lê Đăng Hoan
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

Hồi còn ở Mạc Tư Khoa, thỉnh thoảng gọi điện cho nhau tôi thường đọc cho anh nghe những bài thơ tôi thích . Anh chỉ nghe, nhưng thỉnh thoảng sửa cho tôi những chữ tôi nhớ sai. Khi nghe tôi nói thích bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, anh nói anh cũng thích lắm,và thế là tôi đọc, anh nghe, thỉnh thoảng chêm vài lời bình luận.
Tôi cũng chỉ biết rằng anh là một người thích thơ như tôi, chứ không có hoài vọng gì về sáng tác thơ văn .
        Chúng tôi về Việt Nam. Mỗi người một ngả, anh vào miền Nam làm cho ngành dầu khí, còn tôi ở miền Bắc làm cho viện Mỏ - luyện kim, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc, vì chúng tôi có những tâm sự chung của những người bạn thân, đồng cảm.
        Thế rồi, một hôm, nhân tiện ra Hà Nội , anh tặng tôi quyển sách “Hoài cảm”.  Tôi đọc và ngạc nhiên về những “hoài cảm” sâu sắc của anh, về những gì anh đã có và sự “tinh tế” của anh trong cách viết, ngạc nhiên vì không biết anh đã tích lũy những điều đó từ bao giờ. Khi đọc đến bài “ “Bài thơ hoa sim tím ” trong tác phẩm, thì tôi mới biết tại sao hồi ở Liên Xô anh lại thích nghe tôi đọc bài thơ “Màu tím hoa sim” đến thế.
  Bẵng đi một thời gian, một ngày mùa hè năm 2004, anh gọi điện cho tôi, bảo ra hiệu sách Trung tâm mà mua quyển sách “ Miếng nhớ miếng thương” của anh vừa mới xuất bản . Tôi vội vàng ra mua ngay về hai quyển , để cho anh bạn tôi một quyển. Đây mới thật là sự ngạc nhiên của chúng tôi. Đọc xong tôi và anh bạn gọi điện cho nhau cùng thốt lên “ Anh ta lấy đâu ra những món ăn và làm sao mà có thể kể nó một cách tỷ mỷ đến thế!!”. Nếu ai đọc quyển sách đó sẽ thấy một sự nghiên cứu tỷ mỷ, khoa học và nghệ thuật tả các món ăn của tác giả thật hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Tôi ngạc nhiên về năng khiếu văn học của anh mà trước đó tôi chưa hề nghĩ đến.
        Tôi nhắc đến những kỷ niệm trên là đề  mở đầu cho một nội dung khác, nội dung mà tôi càng ngạc nhiên hơn và từ ngạc nhiên đó đi đến thán phục hơn nữa..
  Cách đây khoảng 3 năm anh gọi điện cho tôi bảo rằng, đã bao giờ đọc thơ Hai Kư chưa?   Tôi trả lời tôi “lần đầu tiên nghe đến chữ  Hai Kư”. “Thế thì đọc đi! Mình sẽ gửi ra cho mấy bài mình viết và bài  lý thuyết của các Giáo sư về thơ Hai Kư mà tìm hiểu”. Rối anh giải thích cho tôi về những nét cơ bản của thơ Hai Kư .
    Nhưng khi nghe nói thơ “Hai Kư” Nhật là thơ ngắn, theo luật 5- 7 – 5 (17 chữ) và phải có “ quý ngữ” chỉ các mùa trong năm, thì tôi trả lời rằng các nhà thơ mới của ta đã có công làm cuộc cách mạng từ thơ khuôn mẫu thành thơ mới, thơ “tự do”, bây giờ ta lại ép mình vào một loại thơ khuôn mẫu để làm gì. Tôi không thích, tôi thích tự do hơn là khuôn mẫu.
   Nhưng rồi anh cứ gửi cho tôi, và sau đó còn tặng tôi tập thơ “Tuyển tập thơ Hai Kư” của Câu lạc bộ thơ Hai Kư  Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó mấy bài thơ được giải của anh tại cuộc thi thơ Hai kư do Lãnh sứ quán Nhật ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
     Rồi cứ như thế tôi hờ hững đọc, đọc như một người đi lên vỉa hè nhìn người ta đi giữa lòng đường.
     Tháng 5 năm 2010 anh tặng tập thơ Hai Kư “Khúc vô thanh”, tập thơ riêng của anh và đến hôm nay tuy chưa xuất bản nhưng anh cũng đưa tôi bản thảo tập thơ Hai Kư Việt “Giọt sương giọt nắng”.
     Cứ như thế, nhờ anh và nhà thơ Đinh Nhật Hạnh mà tôi quan tâm tới Hai Kư. Từ một người đi trên vỉa hè, tôi dần dần từng bước một xuống lề đường rồi mon men hòa vào  dòng người lúc nào không biết.
   Với tập thơ “Khúc vô thanh” thật sự tôi chưa thấy thích lắm, nhất là cái đầu đề, nghe nó cứ khó hiểu, có vẻ kim, kim, cổ, cổ thế nào ấy, tại sao lại là “Khúc vô thanh”sao không đặt một đầu đề khác cho dễ hiểu hơn, Việt Nam hơn, hay gì cái từ “nửa Hán nửa Việt” mờ mờ ảo ảo ấy. Tôi đã đọc và dù sao trong cái nhận thức ban đầu của tôi, cũng đã nhận được sự đồng cảm nào đó với một số bài thơ tôi thích. Nhưng có lẽ hai bài tôi thích nhất trong tập thơ này là:
                  “Từng chiếc lá đỏ
                    Rơi vào nỗi nhớ
                    Mùa thu của Nga
Và bài “Giấc mộng mùa đông
            Hoa hồng
           Nở trong tuyết trắng ”
   Lý do thích cũng rất đơn giản vì tôi và tác giả đã thưởng thức mùa thu nước Nga và cùng nhau “mơ một cánh hoa hồng” “giữa mùa đông giá buốt”. Chỉ cần bốn chữ “Mùa thu nước Nga” và hai chữ “tuyết trắng” cũng làm nổi dậy ký ức trong tôi một hình ảnh nước Nga quen thuộc, người nước Nga chân chất và những cánh rừng nước Nga đẹp đến mê hồn trong mùa Thu và mùa Đông.
    Hồi ở Mạc Tư Khoa tôi ở ký túc xã của Đại học, còn anh cùng gia đình (vợ con) cùng ở khu ký túc xá nhưng có 2 phòng khá tiện lợi. Gần ký túc xá chúng tôi ở có những cánh rừng cây phong, cây bạch dương mà không cần nói thì ai cũng biết đó là nguồn cảm hứng tạo nên những tác phẩm thơ văn nổi tiếng của các nhà thơ, nhà văn Liên Bang Xô Viết.
    Bây giờ cầm trên tay tập bản thảo tập thơ Hai Kư Việt “Giọt sương giọt nắng” của Vũ Tam Huề, thì tôi mới đi đến sự thán phục. Nếu như trong “Khúc vô thanh”, có gì đó mơ hồ, trừu tượng, bắt ta phải tư duy mới hiểu được, thì ở “Giọt nắng, giọt sương” ta thấy gần gũi hơn, dễ đọc hơn, hiểu hơn tâm sự của tác giả.
    Trong nhiều cảm nhận của tôi về tập thơ này thì cảm nhận “đồng cảm” nhất với tôi đó là “nhìn cảnh thấy tình người”, “nhìn vật vô tri thấy tâm hồn mình ở đó”. Nhiều khi tác giả nhìn cảnh hiện tại thấy lại những gì đã có trong quá khứ, để phút chốc quay lại với cái thời đã qua. Mà cái “quay lại” đó có lẽ rất hợp với lứa tuổi này. Thấy tiếng tiếc  những gì đã qua để có lúc “giá mà thế này “ “giá mà thế kia”. Ta hãy đi cùng tác giả:

“Hương buởi đâu đây
Thơm lây ngọn gió
Tương tư tóc dài”
         (Bài 4)

“Đóa lan hài
Chút hương phai
Bước ai qua thềm”
(Bài 5)

“Bên hoa cúc dại
Người mong tìm lại
Hương xưa”
 (Bài 52)
    Từ phảng phất mùi hương hoa bưởi rất quá quen thuộc với chúng ta, ta bỗng dưng nhớ đến những lúc bên ai đó với “mái tóc dài” thoảng hương thơm theo ngọn gió. Hay một chút hương hoa lan làm ta tưởng như có bóng ai đó đang bước qua thềm nhà ta. “Hoa bưởi ”và “hoa lan” đều là loại hoa từ thôn dã, từ núi rừng mà theo bước chân con người ngàn đời được sàng lọc, lựa chọn để thành loại hoa sang trọng, quý phái mà làm cho bất cứ người nào, không kể sang hèn, cũng cảm thấy nao lòng, xao xuyến mỗi khi được thưởng thức dù một chút thoáng qua trên đường hay trong gió. Đó cũng là mùi hương nhắc ta đến với những tình yêu ban sơ, hay những cuộc tình dang dở, khi ta đang còn tuổi học trò “quê mùa”. Để ta nhớ, ta thương, ta trở lại với chính ta khi đã thành đạt trong cảnh phồn hoa.
  Rồi đến những bài thơ này thì thật sự tôi không thể nghĩ rằng thơ “Hai Kư” mà lại mang tâm hồn “Việt” sâu sắc đến thế! . Ta hãy đọc lại nỗi lòng của một người con Việt xa quê qua thơ Hai Kư Việt.
“Ngọn gió thu
Vắng hát tiếng ru
Nghe thơm hương thị”
                   ( Bài 21)

“Ổ rơm ấm
Bếp lửa hồng
Đêm đông cổ tích”
            (Bài 32)
“Chén trà thơm
Mùa hoa
Quê cũ”
     ( Bài 35)
“Tiếng gà gáy trưa
Vời vợi tuổi thơ
Cánh võng”
     ( Bài 44)
“Vu vơ
Một tiếng chim đêm
Gọi về nỗi nhớ”.
              ( Baì 47)
 “Quê mẹ mùa thu
Nhớ tiếng chim gù
Thèm xôi nếp mới”.
        ( Bài 61)
“Chuyến đò
Sông quê
Thơm mùi ngô nướng”
           (Bài 62)

     Những bài thơ theo mạch suy nghĩ này không biết người Nhật đọc được cũng thấy man mác mà vỗ tay khen rằng “Sao lại ở Việt Nam mà có một tác giả thơ Hai Kư biết kết hợp “cảnh và người”  “thiên nhiên và tình cảm” đến thế”
    Tôi thực sự khâm phục mà không cần bình luận một lời nào. Ai xa quê hương, ai đã từng có những kỷ niệm với làn khói chiều từ những bếp lửa hồng lơ lửng trên mái nhà gianh, chén trà thơm, tiếng chim đêm, chuyến đò sông quê…mà không đồng cảm với những bài thơ đầy tình người như thế. Rồi những bài thơ đầy tình thương, tình nhân loại sau đây làm cho ta càng thêm có trách nhiệm hơn với cuộc đời :
“Em bé mù
Nghe nhịp trống ếch
Mơ đèn trung thu”
        (Bài 78)
 “Em bé câm điếc
Lắng tiếng chim hót
Từ trái tim mình”
( Bài 79)
Tôi còn muốn nói thêm một số bài nữa. muốn nói về tình cách, tình cảm riêng chung của một nhà khoa học hơi lãng mạn và “thích cô đơn này”. Nhưng để hạn chế bớt lòng tham của mình, tôi chỉ trích thêm ra đây một bài nữa, mà khi đọc xong, tôi phê ngay một chữ “ Hay!”(có dấu châm than) để thăm dò thêm sự đánh giá của bạn đọc:  
“Giọt sương rơi
Cánh hoa khép mình
 Xấu hổ”
 ( Bài 30).
             (Bờ Hồ ngày mưa gió(Cơn bão số 3)
        LĐH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét