haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Gửi các bạn làm thơ "Haiku Việt"
(Dec 25, 2011 5:41 PMPublicPageviews 1 5)


Gửi các bạn làm thơ "Haiku Việt"
Haiku là một thể thơ cổ điển của Nhật Bản, xuất hiện vào thế kỷ 15, mỗi bài 17 âm tiết chia làm ba câu 5-7-5. Độc đáo của thơ haiku là sức gợi. Gợi cảm giác và gợi nhận thức. Khó mà thưởng thức thơ haiku bằng lập luận logic rành mạch. Sức gợi này gắn với phương pháp tư duy ý hội của Phương Đông, trực giác và tổng hợp. Phân tích dễ làm mất ý vị. Sức gợi cố nhiên phải rất gắn với thân xác của ngôn ngữ Nhật: thanh, âm, vang, rung, khép, mở...Ví như ở thơ ta: "Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh" trong "Truyện Kiều", đọc lên cảm được nhịp xóc của xe, độ lồi lõm của mặt đường. Dịch haiku ra tiếng nước khác chắc chắn mất đi nhiều lắm dung nhan Nhật của thể thơ. Nghĩa chữ thì còn nhưng sức gợi của chữ khó mà giữ được. Người Nhật có kinh nghiệm sáng tạo và kinh nghiệm thưởng thức thơ haiku tới năm, sáu thế kỷ. Họ nói cái họ nhận được nhiều nhất, rõ nhất từ haiku là cảm thức thời gian.
Nhà thơ Haiku thường xuất phát từ một điểm nhìn, một vật nhỏ bé của hiện thực mà làm vang lên trong thiên nhiên hay trong tâm hồn mình triết lý về vũ trụ, về đời người. Làm vang lên chứ không phải phân tích hay chứng minh, kết luận. Đọc haiku không dùng logic, suy luận mà cứ cảm nhận cả khối hình tượng, nguyên đai nguyên kiện nhập vào tâm vào trí mà thưởng thức. Dân Nhật của nhiều đời và các nhà nghiên cứu thế giới tốn nhiều giấy mực lắm lắm để bình luận bài thơ "Con ếch" của ông Matsuo Basho (1644-1694), nhưng để thưởng thức nó thì người đọc cứ phải tự lắng nghe mình, chứ những lời bình kia - biết rồi, khổ lắm, nói mãi - vẫn cứ phải để ở ngoài tai thì mới lắng nghe được trong nội tâm cái tiếng nước xao tự chiếc ao tù vang lên vũ trụ, qua bước nhảy của chú ếch con mà có người coi là bước nhảy của thơ ca Nhật. Tôi tự nhận ra cái kém của mình là thấy khó mà thưởng thức được như thế qua tiếng Việt, xin cứ chép ra đây:
Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao

(bản dịch của Nhật Chiêu)
Thơ haiku hẹp chữ, 17 âm tiết cho toàn bài, nên người ta tiết kiệm lắm những tính từ, trạng từ. Đặc điểm này thì tứ tuyệt Trung Hoa cũng vậy. Thơ Trung Hoa có nhãn tự thì Haiku có quý ngữ cốt là để tập trung nhan sắc, khí cốt của bài vào nhằm thu hút ấn tượng người đọc.
Các tác giả của tập thơ này, vốn là các nhà thơ không chuyên, đã chọn một tư thế sáng tạo cheo leo là tạo một dung nhan Nhật từ "gien" Việt Nam . Đặt tên cho nó là "Haiku Việt", kể cũng liều. Khác gì người Pháp làm lục bát bằng tiếng Tây rồi gọi là "lục bát Pha lang sa", hay người Tây Ban Nha viết ca trù “hồng hồng tuyết tuyết" bằng tiếng Espagnol. Riêng tôi, khi đọc tôi cứ coi là thơ ba câu, thơ ngắn không vụ nói ý mà nói bằng sức gợi cảm của hình ảnh Việt, của ngôn ngữ Việt. Đừng bận tâm Ku Kiếc gì ở đây có khi lại thấy được vẻ đẹp lãng đãng của phong vị Phù Tang. 
Ba câu chóng xong bài nhưng lại khó thành thơ: "Cùng ra sân gôn/ Kẻ chơi giảm béo/ Người tìm bát cơm". Ý thơ mạnh và rõ đấy chứ. Cái nét tương phản "chơi giảm béo/tìm bát cơm" có sức phê phán. Nhưng cái sức gợi, cái vang lên trong tâm trí người đọc lại chưa thấy rõ. "Cất vó đêm trăng/ trăng tròn trong vó / kéo lên lọt trăng". Ba câu thì hai câu đầu mấp mé thơ rồi, nhưng câu thứ ba, thật thà quá, đánh mất cái ảo vốn thành quả của cái nhìn mơ mộng từ hai câu trên. Bài thơ bị lọt mất thơ. Tác giả nên cho trăng đầu thai lại mà cứu ý thơ này. "Ngõ trúc/ hoàng hôn/ Lan vườn ai hương trăng". Có thơ, nhưng thơ chỉ thật sự trú ngụ trong câu thứ ba, hai câu trên chả tích sự gì. Cả ngõ, cả trúc không dính gì với lan, với vườn, với hương trăng. Giả thử viết lại: "Chiều loang/ xóm cỏ/ lan vườn  ai hương trăng" có khi sức gợi tương hỗ nhau mà rõ hơn. Cái khó của thơ ba câu đại khái là thế. Tôi không dám bắt bẻ thôi xao gì đâu. Trong sự thưởng thức của mình thấy vấp chỗ nào thì nói chỗ đó, một thứ ý kiến người tiêu dùng thôi. Tác giả cao niên Đinh Nhật Hạnh có bài viết về tai nạn sóng thần ở Nhật hồi tháng 3 năm 2011. Bài thơ có kích thước chữ còn hẹp hơn Haiku mà sức gợi cảm xúc và sức chứa ý tưởng lại đầy đặn:
Trôi
chiếc giày mồ côi
gọi Mẹ...

Ba dòng, bảy chữ. Hàm súc đến thế là đáng khen lắm lắm. Tội gì mà lấy chuẩn haiku, mua dây buộc mình. Nó là thơ thuần Việt (hai vần bằng ôi ôi - phù bình thanh - đang băng băng trôi, và hai âm trắc, nặng trĩu, chạm lòng người ở câu cuối). Có chăng: một cú hích hình thể mơ hồ qua 5 thế kỷ từ haiku. Thế thôi! Cho nên cái tên tập "Haiku Việt" đổi là "Thơ ba câu" có khi lại dễ hiểu mà càng rộng chỗ tiến lui cho cảm xúc lẫn ý tưởng của chính mình, của thời mình, các bạn thơ thân mến ạ!
                                           Vũ Quần Phương

Nguồn: congan.com ngày 20 – 11- 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét