haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012




Viết về một khúc Haiku
                                             Lý Viên Giao
        Tôi đã thấy người đàn ông ấy và cũng đã nghe anh phát biểu trong lễ trao giải cuộc thi thơ Haiku lần thứ ba tại tòa soạn báo Tuổi trẻ 60A đường Hoàng Văn Thụ thành phố Hồ Chí Minh . Anh là Tôn Thất Thọ, người đoạt giải nhất cuộc thi với bài thơ “ Con ong và quả mướp ”. Nguyên văn :
                                          Quả mướp dài
                                          Con ong vụt đến
                                          Đâu người tình xưa ?
        Đừng vội hỏi tại sao viết về một khúc thơ lại nói đến người . Bởi cái tên rất Huế, rất Hoàng tộc lại gắn với một giải nhất khiến tôi hiếu kỳ hình dung ra những nét “ khác thường” ở anh. Thấy rồi, nghe rồi tôi mới ngộ rằng thơ hay là sản phẩm của cái đầu, không liên quan đến diện mạo hay xuất sứ thân phân.
        Bài thơ gọn gàng xinh xắn gói trong mười một âm tiết, cũng là mười một từ. Đứng giữa hai hình tượng chủ thể con ong quả mướp là một dấu hỏi đâu . Hình tượng người tình, bông hoa mướp, là cái bóng của dĩ vãng. Chỉ cần lướt qua lần đầu, người đọc đã không thể lảng tránh được tâm trạng ai hoài. Càng đọc càng thấy day dứt như chính mình bị lôi vào sự mất mát, tiếc nuối khôn nguôi. Vẫn biết cái một đi không trở lại trong bài thơ là người tình cũng chẳng khác gì mọi thứ trên đời nằm trong lẽ vô thường. Heraclitus chẳng đã từng nói trước ta hàng ngàn năm: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” đó sao. Đành là thế nhưng thượng đế đã ban cho con người đủ mùi vị ở cõi đời: ái, ố, hỉ, nộ, dục, tình trước mỗi cảnh huống sao tránh khỏi tâm trạng cảm hoài. Con ong quay về chốn cũ không còn bóng dáng bông hoa rực rỡ, đằm thắm yêu thương ngày nào. Chỉ lừng lững một quả mướp dài vô hồn. Thử hỏi còn trống vắng nào hơn? Thơ Haiku chuộng tính Thiền là vậy. Thì đây, sự vô thường này là Thiền đó !
        Không thiếu gì sự việc nói lên lẽ vô thường nhưng tại sao tác giả chọn hình ảnh con ong, hoa (tiền thân của quả mướp) để gửi gắm? Chẳng phải cặp tình nhân này tượng trưng sắc nét cho tình yêu đó sao? Mà tình yêu thì muôn đời được tôn vinh, muôn đời mang sức sống mãnh liệt. Nhưng cũng tại sao lại là con ong, quả mướp mà không là con bướm, quả bí hay quả cà? Có phải con ong mạnh mẽ hơn, quả mướp dễ tổn thương hơn chăng? Có người còn lạm bàn rằng hình ảnh quả mướp là ẩn tượng của nhũ hoa quá thì xuân sắc để hướng sự nuối tiếc lại gần con người hơn. Tôi e suy luận này hơi rộng.
        Bài thơ mang sắc thái rõ nét của thơ Haiku đặc biệt là tính gợi trực cảm. Tính từ dài và động từ vụt khá đắc dụng. Nó làm cho cho khoảng cách thời gian từ bông hoa đến quả mướp nới rộng ra và động thái tìm lại cái xưa cũ của con ong thêm phần hăm hở, quyết liệt. Trong số mười một bài thơ bằng tiếng Việt trúng giải của đợt thi này, mỗi bài khai thác một chủ đề, mang một vẻ đẹp riêng, nhưng bài thơ Con ong và quả mướp của Tôn Thất Thọ xứng đáng vượt lên đầu giải.
        Nói như vậy không phải đã hết chỗ cần trao đổi thêm . Thiết nghĩ khúc Haiku này không cần có tiêu đề. Với mười một âm tiết của nội dung mà có đến năm âm tiết cho đề bài liệu có mất cân đối? Hãy thử bỏ đi cái tiêu đề xem có ảnh hưởng gì đến ý tưởng của bài thơ không? Tôi cho rằng chẳng những không mà còn mở rộng tầm cảm cho người đọc ra ngoài phạm vi mướpong nữa kia! Bài thơ tuy đã gợi được suy tưởng qua trực cảm nhưng gợi gần quá, ít lớp ít tầng suy tư quá làm cho người đọc thấy nhàn nhã khi thưởng thức; tính thâm triết của thơ Haiku bị hạn chế .
          Nói vậy thôi, bài thơ con ong và quả mướp của Tôn Thất Thọ xứng đáng với chỗ đứng của nó. Qua dấu hỏi đâu người tình xưa, người đọc có thể đưa dấu ấy đứng sau nhiều thứ....
                                                       Lý Viên Giao



Nhà thơ Lý Viên Giao, ngồi thứ ba

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét