haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Một tâm hồn thơ Haikư Việt thuần khiết




Trong buổi sinh hoạt thường kỳ ngày 26/3/2011, nhà văn Lê Đăng Hoan bận đi công tác xa. Từ nơi công tác, nhà văn LĐH đã gửi bài bình tập thơ “Song đào” của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh qua emai cho chủ nhiệm Lê Thị Bình. Nhà thơ Lê Thị Bình đã in ra làm nhiều bản gửi đến tận tay mọi người có mặt trong buổi sinh hoạt để cùng đọc và chia sẻ cảm nhận của nhà văn LĐH về sự sâu sắc của “lão nhà thơ Đinh Nhật Hạnh” (chữ dùng của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy về nt.ĐNH).
Haikư Việt ngữ, xin trân trong được giới thiệu tới bạn bè bài viết của nhà văn Lê Đăng Hoan.    
                                                                       
                                                                              

     Một tâm hồn thơ Haikư Việt thuần khiết
(Cảm nghĩ khi đọc tập thơ “Song đào” của nhà thơ Đinh Nhật hạnh)
                                                                       Lê Đăng Hoan 

    Nhiều nhà nghiên cứu về thơ Haikư Nhật Bản vẫn nói rằng đây là loại thơ rất được phổ biến ở Nhật, người Nhật từ dân ít hiểu biết đến các nhà trí trức cao đều làm và đọc nó (có lẽ giống như thơ lục bát của Việt Nam chăng?). Thế nhưng thơ Haikư sang Việt Nam thì nói thật, cho đến nay, vẫn rất kén người viết và người đọc. Có lẽ do tính “mở”của nó chăng. Người viết cứ mở ra, còn người đọc cứ thế mà suy đoán ý nghĩa theo cách hiểu của mình. Nó làm cho người đọc không còn có tính thụ động theo ý của người viết nữa. Đó là loại thơ hòa đồng giữa người đọc người viết. Nếu người đọc, chỉ đọc để chơi hoặc chỉ lấy thơ để thư giãn khi đầu óc căng thẳng, thì rất khó tiếp cận với loái thơ này. Mà tâm lý phần lớn người đọc cứ muốn cái gì cũng phải rõ ràng dễ hiểu, không phải suy đoán quá nhiều mới hiểu ý của người viết muốn nói gì. Tôi thuộc về người đọc loại này. Tôi vốn rất không ưa những ca sĩ hát không rõ lời dù giọng véo von!
    Tôi đã đọc một số thơ Haikư của một số tác giả Việt Nam, gọi là Haikư Việt, nói chung cũng đã có ít nhiều khái niệm về nó, bên cạnh rất nhiều bài khi đọc thấy hợp với suy nghí tâm tư của mình, thật sự thích thú. nhưng  cũng có bài trừu tường quá, kiệm lời qua, “mở” quá, tôi không biết đâu là ý của tác giả đâu là ý cần diễn giải của bài thơ.
   Nhưng hôm qua nhận được tập thơ “Song đào”, mà thật ra mấy lâu nay tôi đã tiếp xúc với Haikư Vịệt của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh, thì cũng là loại thơ Haikư, nhưng tự nhiên tôi lại thấy có cảm nhận khác hẳn. Cũng “mở”, cũng “kịệm lời”, nhưng chỉ cần đọc kỹ một chút là tôi đã hiểu được tác giả muốn nói gì rồi.
Cái “mở” trong thơ của tác giả lại là cái “gợi mở” bắt nguồn từ nhận thức thực tế để đưa ta vào sâu lắng của tình cảm.
Ta hãy xem cái gợi mở khi nghe “một tiếng chim gù”:

Chim gù trưa
bóng tre trùm nỗi nhớ,
mẹ chân trần nắng mưa

Một tiếng chim gù ban trưa làm ta nhớ đến người mẹ đầu đội trời, chân đạp đất giữa nắng mưa!!!
Hay “một tiếng mõ” chiều sương làm ta nhớ cảnh quê hương “đường làng thụt móng chân trâu” :

Chiều sương
mõ trâu về lốc cốc
đường thôn
   
Cảnh yên bình ở thôn quê được thể hiện bằng nhiều hình ảnh khác nhau, là đàn gà con xúm xít bên mẹ, một tiếng gà gáy lúc ban trưa, là cảnh đám trẻ tắm lội giữa dòng sông, hay cảnh một góc chợ quê xốn xang kẻ mua người bán, nhưng cảnh mà tôi cảm thấy thật sự yên bình là những con bò vàng. con trâu gậm cỏ ven đê, thỉnh thoảng cái đuôi cứ tung lên đập xuống đuổi muỗi, và vài con sáo, con cò đậu trên lưng trâu. Mỗi lần về quê, hay được xem một hình ảnh giống như thế tôi thật sự thấy quê hương mình thật sự thanh bình, yên ả. Thì đây, bài thơ rất Haikư này như đồng cảm với suy nghĩ của tôi:

Bóng đa,
lim dim
bò vàng vẫy đuôi xua muỗi.

Thôi thì chữ “lim dim” ở đây tác giả có hơi mập mờ đi nữa thì sự mập mờ này cũng đáng yêu. Cây đa “lim dim” hay con bò “lim dim” thì vẫn là một hình ảnh của đồng quê thật sự yên bình..
Trong bài sau đây thì ta mới biết rõ ràng hơn, đó là con “bò lim dim”. Cái “lim dim” của con bò no cỏ như một nét nhấn của quê hương tác giả, để ta nhớ lại ngày xưa chăn bò, cắt cỏ.

Chiều vàng no cỏ-
bò lim dim
nghe muỗi gẩy đàn.

Cuộc đời là cả một chuỗi dài của hạnh phúc và đáng yêu. Nhưng cuộc đời cũng đầy nước mắt, tráo trở và lừa lọc, đen bạc. Bươn trải trong cuộc đời này con người phải biết “gạn đục khơi trong”, chắt lọc lấy những giọt nước trong giữa những những dòng nước đục.

Sương sa
bụi đời trăm ngã
Liệu còn giọt trong .

Giữa trần gian này còn nhiều bụi lắm. Phải chăng trong hai tiếng “trần gian” đã chứa đựng “bụi” rồi. “Trần” chẳng là “bụi” đó sao! Giọt sương sáng trong lành, rơi vào trong cái không gian bụi bặm ấy, thì làm sao mà trong cho được. Nhưng cái sứ mệnh thiêng liêng của hạt sương là hút vào mình những hạt bụi nhỏ, để mình bẩn đi, nhưng thế gian này đỡ đục. Cái nghĩa “mình chịu đục cho đời trong” là ở đó.
Thế gian đã bụi bặm lại tráo trở. Sự tráo trở này làm cho khối kẻ quá tin mà sa bẩy như con chim vành khuyên kia, thật đang thương:

Vành khuyên!
bay chi vào phố
bẩy đời dăng dăng

Hay như con chào mào kia:

Chào mào lẻ đôi-
bám nan lồng
khóc chồng sập bẫy.

Thấy cảnh chồng đã sập bẫy rồi, mà vẫn không biết tránh xa “cái bẫy”  ấy đi. Tình thương của cái giống chào mào làm cho bao loài khác đáng để làm gương. Nhưng gương vẫn sáng mà đời vẫn đục. Những cái bẩy khác đang dăng sẵn ở đâu đó để bắt con chim dám đến “khóc chồng”, như đám trẻ con thường dùng chim con để bắt luôn chim mẹ!!!
Cứ đọc những bài có nội dung tương tự như vậy trong tập thơ này, tôi càng thấy tác giả thật tinh tế, thật nhạy cảm, nhìn một biết mười, mở cho ta cái nhìn gần gũi, thân thiện hơn với Haikư.
Trong cái trần gian ấy, thật đầy cám dỗ, đầy hiểm họa. Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi, hôm nay ta đang là “vương chủ” nhưng biết đâu ngày mai ta đã là “kẻ hành khất”

Mèo vờn
chim non há miệng
tưởng mẹ, đòi ăn.

Cái nhầm này thật sự tai hại. Tại sao tác giả lại có thể nắm bắt được cái tích tắc hết sức nhạy cảm đó, nếu tác giả chưa bao giờ bị lừa lọc, tráo trở.
Hay bài thơ sau đây thì quả thật đọc lên ta cười ra nước mắt:

Khỉ không thành người-
người
thường hóa khỉ!

Cuộc đời hơn tám mươi tuổi của tác giả chứng kiến biết bao nhiêu sự thủy chung, trung thành. Tác giả đã được ngắm biết bao mùa bằng lăng, bao nhiêu lần “ một giò lan nở, thơm trời đất” bao nhiêu tiếng ve, tiếng tu hú gọi hè về, chứng kiến bao nhiêu cảnh “khúc lở khúc bồi, dòng sông, dòng đời”. Vì vậy mà tác giả không lạ lẫm gì với sự mất còn, không lạ gì họa phúc. 

Họa phúc trùm thiên hạ
hôm nay ai,
mai ai?

Vâng , cái họa cái phúc như “ thằng ăn trộm” ta không biết hôm nay nó sẽ vào nhà ai?
Thơ Haikư Nhật nói nhiều đến phong cảnh, trong thơ của Đinh Nhật Hạnh phong cảnh được ông mô tả qua “tiếng ve. Rụt rè, mở Hạ”; “cánh chuồn, giỡn nắng,”; “chú dế ,bờ đê, gợi tình”; “cú cầm camh”; “chim khách mách gì”. Nhưng tôi lại thích những loài hoa mà tác giả đưa vào trong thơ mình. Tac giả đã đưa rất nhiều loài hoa vào thơ như : bằng lăng, hoa đào,  nhài, sen, mơ, mai, liếu, hoa sữa, cúc...Nhưng có lẽ tác giả thích nhất hai loài hoa, đó là hoa lan và hoa đào. Ta hãy say sưa cùng tác giả:

“Một giò lan nở
thơm
trời đất” 

Tác giả còn có cả một bài thơ riêng nói về một loại hoa lan gọi là “Lan trần mộng”, loài hoa mà trong nhà của nhà thơ năm nào cũng nở, loài hoa tượng trưng cho tình yêu và sự cao thượng.
Còn  hoa đào thì :

“Một bóng hoa đào
Thắp bừng ngõ nhỏ-
ấm chiều ba muơi”

Ta cứ tưởng tượng ta đang đi từ trong ngõ ra phố, bỗng có một người nào đó đưa về một cành hoa đào từ ngoài ngõ đi vào. Cành đào rực rỡ, hồng tươi làm ta lóa mắt như một vầng sáng, một làn hơi ấm làm bừng một góc phố nhỏ, đưa hơi ấm cho chiều cuối nắm.
Tôi không muốn đi quá sâu vào cuộc đời riêng, nhất là những mất mát của tác giả, nhưng rồi khi đọc những bài Haikư này tôi cứ phải nghĩ đến. Không biết có phải tôi quá tưởng tượng hay biết sự mất mát của tác giả mà cứ có suy diễn theo ý mình hay không nhưng dù sao những ý thơ trong những bài như:

Cú rúc
gai người
đêm quạnh

Hoặc:

Bến xưa
con đò vẫn đợi
mòn trăng;

Và đây nữa:

Nhớ về chim nhé
tán bàng
nhà ta

làm cho tôi cái cảm giác mất mát không gì bù đắp được khi nửa đêm thức giấc, một tiếng cú kêu, nhìn lại bên mình trơ trọi, quạnh quẽ đến gai người. Sực nhớ rằng, cái nửa bên kia của mình không còn nữa để mà thao thức, thương cảm mà không biết nói cùng ai.
   Gần cuối cuộc đời, con người ấy vẫn chờ vẫn đợi, chờ đợi đến mỏi mòn, đến “mòn trăng” tuy vẫn biết rằng chờ là để mà chờ thế thôi chứ, con đò kia, con chim kia có bao giờ trở về nữa đâu.
  Trên cuộc đời này có cái mất mát nào to lớn, đau đớn đến thế nữa! .
  Tôi kết thúc bài này này bằng một bài thơ Haikư sau:

Tầm xuân,
theo suốt cuộc đời
đường hoa

Suốt cuộc đời nhà thơ Đinh Nhật Hạnh làm việc và  yêu đời không biết mệt mỏi. Gần 85 tuổi vẫn luôn giữ bên mình “nụ tầm xuân”, gạt đi tất cả mất mát, gạt bên lề cuộc đời tất cả mọi lo âu, ưu phiền, để sống, để làm thơ và để tin vào con người.
Đinh Nhật Hạnh là một nhà thơ thực thụ, ông đã xuất bản hàng chục tập thơ gồm các thể loại khác nhau. Mấy năm nay ông tạm gác tất cả những loại thơ khác để tập trung vào thơ Haikư Việt. Tôi chưa thấy ai say sưa, nhiệt tình, nhiệt tình đến mức ‘si mê’ thơ Haikư như nhà thơ Đinh Nhật Hạnh. Cũng chính nhờ ông mà Haikư đã đến với rất nhiều người , trong đó có cả tôi. Tôi chưa phải là người thích lắm loại thơ này, nhưng có lẽ tôi đang theo ông từng bước để bước vào cái rộng lớn của Haikư mà ông đang  say mê.
  Tâm hồn lạc quan và say mê ấy đang truyền sang cho lớp trẻ và những người học trò của nhà thơ.
 Ta chúc cho nhà thơ, nhà Haikư Việt Đinh Nhật Hạnh ngày càng dồi dào tiềm lực về sức khỏe và lòng ham mê để xây cho Haikư Việt trở thành một dấu ấn trong thơ ca Việt Nam .

                                                 Hồ Hoàn Kiếm ngày mưa phùn
                                                           (15-3-2011)
                                                                LĐH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét