haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012


Tìm hiểu về cấu trúc 5 -7 - 5 trong thơ ca Nhật Bản
                                                  Lê Thị Bình
        Trong thơ ca Nhật Bản cấu trúc 5-7 chiếm vị trí chủ đạo. Tanka của Nhật có cấu trúc 5-7-5-7-7 (31 âm tiết chia ra 5 dòng), Haiku có cấu trúc 5-7-5 (17 âm tiết- chia ra 3 dòng, nhiều khi viết liền một dòng). Senryu cũng cấu trúc giống Haiku (5-7-5 và chia làm 3 dòng), Tođoitsu có cấu trúc 7-7-7-5 hoặc 5-7-7-7-5, Sedoka thì cũng theo cấu trúc 5-7-7 và 5-7-7 lặp đi lặp lại 6 lần (38 âm tiết- 6 dòng). Có lẽ đây là cấu trúc cơ bản và điển hình của thơ ca Nhật Bản gọi chung là Waka. Khi nối dài cấu trúc này được lặp đi lặp lại thành choka (trường ca) hoặc renga (liên ca). Manyoshu là tập thơ ra đời từ thế kỷ thứ 8, là tập thơ đầu tiên và tiêu biểu của nền thơ ca Nhật với hơn 4500 bài thơ trong đó phần lớn là Tanka (hơn 4100 bài). Đây là một bách khoa thư về văn hóa, con người và đất nước Nhật Bản cổ xưa.
        Tại sao thơ ca Nhật Bản lại ưa cấu trúc 5-7 như vậy? Người Nhật nhiều khi không phân tích được tại sao lại có cấu trúc này, chỉ thấy rằng đọc Haiku, Senryu, Tanka…cứ thấy hay, thấy tâm hồn yên tĩnh và thấy thích thú. Sự thực văn vần của Nhật tại sao lại lấy hình thức 5-7-5 thì có nhiều cách giải thích khác nhau.
        Tìm hiểu cho điều này tôi cũng bắt gặp suy nghĩ của các bạn nước ngoài khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và thậm chỉ cả của người Nhật Bản nữa. Qua tìm hiểu giải đáp của nhiều tác giả Nhật Bản tôi đã tìm được phần nào lời giải cho thắc mắc này.
        Nhìn chung mọi người Nhật đều đi đến một thống nhất rằng cấu trúc này có liên quan đến đặc điểm ngôn ngữ và tình cảm của người Nhật. Và họ cho nó có nhạc tính cực kỳ hấp dẫn. Thông thường nhịp điệu của thơ được quyết định bởi âm luật, đặc biệt tiếng Nhật trong Tanka, Haiku …thì là nhịp 5-7 được qui định bằng số âm gọi là luật số âm.
         Nhịp 5-7-5 có một cảm giác đặc biệt nào đó đối với người Nhật, thậm chí có người cho rằng nó gắn bó máu thịt với người Nhật đến mức chắc có yếu tố di truyền. Thơ ngắn gọn nhưng nói lên nhiều góc độ của cuộc sống.
         Nhiều người Nhật lại cho rằng làm thơ theo định hình cấu trúc bắt buộc như  Tanka, Haiku, Senryu thì lại thấy hay, thấy thích và thậm chí dễ làm hơn là cứ để tự do thoải mái. Người ta lý giải rằng làm thơ theo định hình chặt chẽ này sẽ được nếm trải hai cảm giác: thứ nhất là ban đầu thì căng thẳng vì phải vắt óc ra để tìm âm cho khớp với cấu trúc nhưng khi tìm ra được những từ với các âm tiết tạo nên cấu trúc đó rồi thì lại có cảm giác thứ hai là sung sướng, mãn nguyện, được giải tỏa. Người Nhật thấy chấp nhận bị khống chế vừa phải lại phát huy được sức sáng tạo và có được cảm giác thành công hơn là khi để quá tự do thoải mái. Người sáng tác phải cố gắng biểu hiện một cách cực kỳ ngắn gọn, phải khổ công để tập hợp một nhóm âm theo cấu trúc 5-7 mà thôi. Triết lý sống này của người Nhật chắc không hẳn chỉ trong lĩnh vực sáng tác thơ ca.        Người làm thơ bị thách thức, qua thơ thể hiện cá tính và cái hay của thơ chính là ở chỗ đó. Tanka hay Haiku thì chỉ cắt một lát mỏng của toàn bộ câu chuyện dài, lại có âm điệu, ở sâu trong câu thơ có những khoảng trống để cho người đọc tự tưởng tượng. Cái hay của bài thơ là chỉ thoáng qua lát cắt tuyệt vời đó tưởng tượng ra toàn thể và thấy bề sâu của nó. Bắt người đọc phải cố gắng động não. Thông qua cấu trúc 5-7-5 âm, ý tác giả đã được chuyển tải. Lập xong cấu trúc này người làm thơ sẽ có cảm giác vô cùng hạnh phúc.
          Có tác giả tự phân tích bản thân và thấy khi sáng tác Haiku được trải nghiệm mấy cảm giác:
-         Cảm giác căng thẳng khi tập hợp cấu trúc 5-7-5
-         Cảm giác được giải tỏa và thư giãn khi đã giải quyết xong cấu trúc 5-7-5.
-         Niềm vui mình sáng tạo và niềm vui sâu sắc hơn khi mình được tham gia sáng tạo.
        Tác giả này đi đến kết luận: Nếu chấm điểm cho cấu trúc 5-7-5 thì sẽ cho điểm “sáng tạo”.
        Có người Nhật khác lại phân tích âm điệu của bài “con Ếch” nổi tiếng của Basho như sau:

Furu ike ya
Kawa  wakazu tobikomu
Mizu   Mizu no oto
Kìa Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước

           Toàn bài mỗi dòng đều có nhịp 4 phách:
Fu (1), rui(2) keya(3) (dấu lặng-4)
Ka (1) wazu (2) to (3) biko(4) mu
Mi (1) zuno (2) oto (3) (dấu lặng-4)
Chỉ thừa hay thiếu chữ một chút thôi thì nhịp sẽ dở ngay.
Nhân đó cấu trúc 3,3,7 nhịp cũng được tạo thành 4 phách.
Tantantan (dấu lặng)
Tantantan (dấu lặng)
Tantantantantantantan (dấu lặng)
4 phách là 4, 4 ô nhịp vì thế nhấn nhá rõ ràng, rất thú.
         Cố giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học Kindaichi Haruhiko đã trình bày trong cuốn “Tiếng Nhật Bản”(nhà xuất bản Iwanamishinsho), có thể tóm tắt đại ý như sau:
“Trước hết, lời nói (kotoba) đuợc tạo bởi đơn vị âm gọi là phách. Ví dụ cụm từ yamazakura (anh đào núi) được gồm các phách ya, ma, za, ku, ra. Từ góc độ phát âm mà xét thì đặc điểm của tiếng Nhật là có ít phách mà đơn điệu. Người Nhật phát âm những phách này bằng cùng một cường độ và âm điệu. Do đó người ngoại quốc thoạt đầu nghe tiếng Nhật cảm giác như nghe tiếng súng máy bắn vậy.
         Có lẽ vì các phách tiếng Nhật có khuynh hướng phát âm cùng độ dài nên người Nhật rất nhạy cảm với số âm. Chẳng hạn khi quên chữ viết tên của một người Nhật nào đó thì người ta thường nhớ là tên đó có 4 âm…quên tên tỉnh nào đó của Nhật nhưng lại nhớ đại khái là tên tỉnh ấy có 2 chữ như tỉnh Shiga, tỉnh Gifu…
         Ngược với người nước ngoài khi phát âm địa danh của Nhật Bản thì có vài âm kéo dài ra như “Yokoha-ma”, “Naga sa-ki” trong khi đó người Nhật lại gọi các tên đó ngắn từng phách một là “yo, ko, ha, ma” hay “na,ga,sa,ki”.
         Thơ ca Nhật Bản phát triển theo luật số âm, điều này chắc chắn xuất phát từ sự đơn điệu của các phách với độ dài tất cả như nhau.”
          Ông giải thích tiếp: “tiếng Nhật có đặc điểm là các phách được phát âm rất ngắn, do đó 1 phách rất khó nghe, vì vậy người ta hay dùng 2 phách thành một cụm. Ví dụ có thành phố Tsu ở tỉnh Mie, chỉ có 1 âm nên khi được hỏi Ông đi đâu đấy? trả lời “Tsu” thì hay bị hỏi lại “hả, đi đâu?”. Phải chăng ý thức được điều này nên người Nhật đã sáng tác ra thể thơ với những nhịp kết hợp ngắn dài? Ví dụ: “fu ru ike ya”(kìa cái ao cũ) sẽ là 2,2,1, hết một nhịp sẽ ngừng lại nghỉ, tạo ra nhịp điệu. Phần nhiều người Nhật không lựa chọn số chẵn là 4 hay 6 mà lựa chọn số lẻ là 5 và 7.”
         Ông khuyên nên tìm đọc cuốn “Bàn về nhịp điệu trong tiếng Nhật- Lý giải câu đố nhịp 7-5” của tác giả Sakano Nobuhiko (Taishukanshoten), trong đó tác giả đã khảo sát khá kỹ về vấn đề này.
         Nishimori một nhà nghiên cứu về Buson của Đại học Zatsurin đã nói: “Haiku là thể thơ ngắn với 17 ký tự. Những ám hiệu cực kỳ giản lược. Chìa khóa để giải ám hiệu đó chính là quí ngữ, do đóHaiku không thể không có qúi ngữ, nhịp điệu 5-7-5 có âm hưởng tốt nhất khi ngâm lên. Vì vậy Haiku phải có cấu trúc 5-7-5”. Đúng là nhịp 5-7-5 là yếu tố không thể thiếu trong thơ Nhật. . Chỉ với cấu trúc 5-7-5 âm mà thơ ca Nhật Bản đã chuyển tải thông tin từ cố xưa đến hiện đại, vô cùng hấp dẫn.
        Nhà trà đạo nổi tiếng của Nhật Senrikyu đã sáng tạo trong thế giới trà đạo khái niệm “Wabi, sabi”, còn Basho thì sáng tạo thêm “Karumi”. Đúng là Haikai không thể thiếu Karumi. Phải chăng muốn nói rằng wabi, sabi lặn trong cái karumi hàng ngày.
         Có người lại so sánh với Hán thi và cho rằng Haiku hình như cũng có nhập đề, có phần nhấn mạnh rồi kết luận, có gì đó giống như khởi, thừa, kết mà lại không phải câu khởi, câu thừa, câu truyền, câu kết như thơ tứ tuyệt của Trung Quốc. Tôi thì cho rằng nó hợp với tâm hồn người Nhật cũng như lục bát với người Việt Nam vậy.
         Có người Nhật cho rằng về âm luật của Haiku có lẽ không riêng tiếng Nhật mà Haiku làm bằng tiếng Anh cũng có âm điệu gì đó. Ví dụ câu “eating new potatoes the smell of earth”(Ăn khoai tây vụ mới, ăn cả hương đất trời). Câu này gợi cho tôi nhớ có đọc ở đâu đó một câu Haiku Nhật Bản nói rằng: “Khi ăn ngó sen ta ăn cả những cái lỗ trên đó”. Thật kỳ lạ.
         Hiện nay Haiku đã tràn ra thế giới, hiện Hiệp hội haiku thế giới đã có tới 42 nước tham gia với trên 130 hội viên, Haiku được sáng tác bới nhều ngôn ngữ khác nhau với nhiều tâm hồn của nhiều dân tộc. Việt Nam ta đã có 15 thành viên mới nhất tham gia Hiệp hội này vào đúng dịp ngày thơ Việt Nam năm 2012 vừa qua. Ông Natsuishi Banya giám đốc Hiệp hội Haiku thế giới trong cuộc trò chuyện với CLB Haiku Hà Nội đã nói: “Haiku hiện đại không câu nệ quí ngữ và không nhất thiết theo cấu trúc 5-7-5, tuy vậy nên cô đọng, ngắn gọn đến mức cao nhất sao cho nó truyền được tâm hồn và cá tính của người sáng tác. Ngôn ngữ Việt Nam giàu âm điệu chắc sẽ phù hợp với Haiku”. Kết thúc bài này tôi muốn dịch 2 câu Haiku thấy hay trên mạng mà chưa rõ tên tác giả:

Baiu sora wo
shinwa ni kaeru
tayori ari
Có tin gửi đến
Biến trời mưa dầm
Thành thần thoại
Hanatsu ya no
Gotoku meikuwa
Umare keri
Câu thơ hay
Vụt hiện
Như mũi tên phóng ra
Tác giả bài viết, người mặc áo dài (ngồi), tại hội nghị thành lập CLB Văn hoá Việt - Nhật 
 
Người Nhật đã thành công trong việc truyền bá Haiku, một chắt lọc văn hóa “nhỏ mà đẹp” của họ ra thế giới, liệu có bao giờ “thơ lục bát” của Việt Nam làm được điều này không nhỉ? Nhân nghiên cứu để viết bài này tôi đã đọc được một bài của tác giả Nguyễn Xuân Đức “Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam” và biết rằng Việt Nam cũng đã có một số nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu về lục bát Việt Nam, thật đáng mừng.
                                      Xuân Nhâm Thìn
                                        Lê Thị Bình
                                 CLB Haikuviệtngữ Hà Nội
Can You Haiku?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét