haikuviethanoi

haikuviethanoi
Ảnh thêm

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Haiku ngẫu hứng nhàn đàm
(Jan 4, 2012 7:54 AMPublicPageviews 2 3)
Góc chợ hoa xuân Hà Nội 2012
Ảnh của nhà thơ Hoàng Gia Cương
Haiku ngẫu hứng nhàn đàm
(Hay “Hồi âm của một người làm thơ Haiku”)
                                                              Lý Viên Giao
        Thơ Haiku của Nhật Bản được người Việt Nam tiếp cận từ nửa đầu thế kỷ trước. Những người đi tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến các nhà thơ Trần Dần, Lê đạt, Dương Tường... ở miền Bắc. Ở Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã có nhiều người nghiên cứu và sáng tác thơ Haiku. Một Câu lạc bộ Thơ Haiku Việt được thành lập để sáng tác theo thể thơ này đến nay đã được bốn năm . Nhiều tập nội san chuyên đề và những tuyển tập thơ Haiku do nhà XB Văn học ân hành được đông đảo người yêu thơ hai miền đón nhận như những món quà tinh thần khơi gợi cái mới. Tại Hà Nội, từ hai năm trước cũng manh nha một nhóm làm thơ Haiku gắn bó với CLB ở phương Nam đất nước. Đó là tiền thân của CLB Thơ Haiku Việt ngữ (Hay Thơ Haiku Tiếng Việt ), hiện đang nằm trong CLB Văn hoá Việt - Nhật, thuộc Hội Hữu Nghị Việt Nam – Nhật Bản. Tổ chức này cũng mới đầy tuổi tôi cách đây không lâu.
          Những bài giới thiệu và nghiên cứu thơ Haiku cuả Nhật Bản đầy ắp trên các ấn phẩm từ sách cho đến báo chí và cả trên mạng internet. Người muốn tìm hiểu để biết về thể thơ này thì chỉ cần gõ bàn phín máy tính là có hàng loạt bài viết hiện ra cho mình tham khảo.
          Với tên gọi của các CLB như nói ở trên có thể gây ngỡ ngàng ít nhiều. Vâng, thơ Haiku không phải của Việt Nam, mà chính là của Nhật Bản! Tên gọi chỉ để khảng định đây là thơ Haiku, nhưng do người Việt sáng tác bằng tiếng Việt. Như vậy mặc nhiên cái “ Bình ” Haiku phải chứa “Rượu” Việt rồi ! Chúng ta mặc sức đưa hồn Việt, nét văn hóa đặc trưng Việt , nhân sinh và vũ trụ quan Việt ... vào thể thơ này một cách đương nhiên không có gì gọi là gò ép. Khi đọc khúc Haiku sau :
                                           Vườn chè
                                           Trăng loe
                                           Dế hát .
Ta có thể nhận ra không gian của một góc quê Việt bình an, thư nhàn, hòa quyện thiên nhiên và sự sống. Cũng có quý ngữ đấy chứ và cũng gợi lắm chứ. Đứng ở góc này ta có thể trải lòng với không gian rộng lớn, với nhiều niềm yêu rộng lớn hơn! Và đây một khúc nữa :
                                            Như thể dao cau
                                            Cắt nhau
                                            Vết sẹo .
Bóng dáng của ca dao rõ mồn một. Tình yêu đôi lứa trong sáng, rồi cả nỗi đau mất mát khi không có nhau cũng đằm sâu và quá đỗi nhân văn. Chỉ gói gọn trong tám âm tiết mà con mắt của giai nhân gợi ta mở tầm cho những cái nhìn, những cách nhìn rồi soi trở lại lòng mình những dấu ấn trong sáng của cuộc đời riêng tư .
Thơ Haiku Nhật xưa kia có những tiêu chí nghiêm ngặt. Bây giờ, các tác gia Nhật Bản làm thơ Haiku hiện đại đã có nhiều linh hoạt về quý ngữ, về số âm tiết và cả về nội hàm. Người ta có thể nói đến mọi khía cạnh về nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí cả những điều thầm kín trong tình yêu đôi lứa. Cái bất biến dường như chỉ còn lại chủ yếu ở tính gợi trực cảm, tính hàm súc và cấu trúc ba dòng với những ngắt ý (Cắt - Kiru ) sắc nét. Có người cho rằng ta phải “ Đổi mới ” (Hay “ Cách tân ”, “ Mở rộng ”, “ Việt hóa ”) thơ Haiku khi đem nó vào Việt Nam, không nên “ Lệ thuộc vào Nhật Bản ”!
          Thử tưởng tượng có thể có một bài thơ Lục Bát mà không phải là những câu sáu, tám xen nhau với vần gieo đúng cách với nhịp điệu nhịp nhàng? Cũng thử hình dung một bài thơ Đường luật dòng năm dòng bẩy không đúng niêm luật, hạ vần lung tung, không có phá thừa thực luận kết liệu có chấp nhận được? Suy từ đó, một bài thơ Haiku cũng có những tiêu chí bất biến của nó mà người làm thơ phải tuân thủ.
          Thơ ba dòng có ít hơn mười bẩy âm tiết, thoáng qua có vẻ giống thơ Haiku nhưng thực chất khác nhau. Đừng nói thơ nào hay hơn nhưng đừng lẫn hai loại thơ này. Không ai buộc ai phải làm thơ Haiku nhưng đã có ý thức sáng tác nó thì nên tìm hiểu để hướng tới nó. Phàm là CLB thơ Haiku , cái đích đến phải là sáng tác thơ Haiku dẫu cho hiện tại chưa đạt được đỉnh của thể loại thơ này. Cũng không buồn khi thấy trong buổi sinh hoạt CLB hay trên ấn phẩm đang song song tồn tại cả hai thể loại. Đó là hiện thực không tránh khỏi vì thơ Haiku vào Việt Nam một cách đáng kể, chưa lâu, những người am tường thể loại này chưa nhiều.

          Làm thơ Haiku là một thú chơi giống như các thú chơi khác. Chẳng hạn, khi ta yêu thích một loài hoa nào của nước ngoài muốn đem về trồng cũng mong giữ nguyên vẻ đẹp của nó để chiêm ngưỡng. Với thổ nhưỡng và khí tượng Việt Nam, cây đó có thể có những biến đổi thích nghi nhưng vẫn giữ nguyên gen cũ và cho ta hương sắc mà ta mong muốn. Nếu người trồng hoa chiết ghép hoa này với những giống khác để tạo ra loài hoa mới, lúc đó tên hoa sẽ phải thay đổi mà hương sắc cũng chẳng còn như xưa.
          Đa phần người sáng tác thơ Haiku ở Việt nam hiện nay chưa có thâm niên do vậy thơ hay chưa nhiều. Đặc biệt người “ Chuyên ” làm thể loại thơ này càng ít , chủ yếu là yêu thích mà làm do đó tính “ Không chuyên ” cao. Tuy vậy họ không hề chọn tư thế sáng tác cheo leo mà có định hướng rõ ràng để làm chủ một thể loại thơ hay từ Nhật Bản đến. Dẫu cho hiện tại còn hiện diện song song hai anh em thơ Haiku và thơ Ba Câu trên thi đàn của các CLB song điều đó không thể kéo dài mãi. Những ai kiên định với thơ Haiku sẽ vươn tới để ngày càng gần với nó. Trong khi đó thơ Ba Câu tuyệt vời cũng có đội ngũ điệp trùng của mình. Những người làm thơ Haiku có quyền lãng mạn nghĩ tới ngày thể loại thơ này sống vững chắc trong đời sống văn hóa Việt. Người viết và người đọc quyết chung lòng đưa thể loại thơ Haiku Tiếng Việt vào đúng vị trí đứng của nó trong đội ngũ các thể loại thơ của nước nhà.
                                                                    LVG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét